Canh tác cà phê thông minh tăng lợi nhuận trên 20%

06/01/2023 08:00:26 GMT+7

Chiều 29/12, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên phối hợp với Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền tổ chức hội nghị xây dựng mô hình Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.

Từ năm 2017, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đã ký kết hợp tác chiến lược trong việc nghiên cứu phát triển khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực phân bón và canh tác cây trồng khu vực Tây Nguyên. Mục đích của chương trình là chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong canh tác của bà con nông dân vùng Tây Nguyên.  

Sau khi hợp tác, chương trình đã thực hiện 23 nghiên cứu, khảo nghiệm và 28 mô hình trình diễn phân bón Đầu Trâu với tổng diện tích tham gia khảo nghiệm, trình diễn là 25,2ha, trên một số cây trồng chính vùng Tây Nguyên như: Cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái, cây rau, cây bắp. Chương trình cũng tổ chức 8 cuộc tọa đàm giới thiệu kết quả nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất trên địa bàn Tây Nguyên với sự tham gia của gần 1.000 nông dân

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và Công ty Cổ phần Bình Điền ký kết Chương trình Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2023-2025. Ảnh: Quang Yên

Sau 5 năm thực hiện, chương trình đã giúp tăng hiệu quả kinh tế của cây cà phê lên 22,5-28,16%; Cây tiêu hiệu quả kinh tế từ 9,04-26,17%; Sầu riêng năng suất tăng 22,6%, lợi nhuận tăng 317,2%, hiệu quả kinh tế tăng 19,9%...

Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, Việt Nam hiện là nhà sản xuất cà phê vối hàng đầu thế giới với diện tích năm 2021 là 694 ngàn ha, trong đó khoảng 40 ngàn ha cà phê chè (MARD) chủ yếu tập trung tại Tây Nguyên. Tuy nhiên, sản xuất cà phê ở Việt Nam hiện chủ yếu qui mô hộ, diện tích nhỏ.

Hiện nay, việc sản xuất cà phê có nhiều vấn đề như thâm canh quá mức, mức bón phân vô cơ quá cao và thiếu cân, sử dụng nhiều thuốc BVTV và thuốc trừ cỏ; Lượng nước tưới quá lớn, chủ yếu từ nước ngầm; Chưa xác định đúng thời điểm tưới nước lần đầu; Trồng xen cây trồng khác với cà phê chưa đủ cơ sở khoa học, chủ yếu theo phong trào; Chưa có gói kỹ thuật cho hệ thống canh tác này; Quản lý chất lượng giống và xuất xứ của giống rất lỏng lẻo.

Việc canh tác không đúng kỹ thuật khiến suy giảm độ phì nhiêu của đất, rửa trôi và sử dụng nhiều nước ngầm dẫn đến suy giảm chất lượng nước ngầm và nước mặt; Vườn cà phê suy kiệt, bệnh từ đất tăng làm nghiêm trọng thêm tình trạng vàng lá, thối rễ; Tăng phát thải khí nhà kính.

Để giúp cho ngành cà phê phát triển bền vững, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và Công ty Cổ phần Bình Điền ký kết Chương trình Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2023-2025.

Ông Ngô Văn Đông, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền cho biết doanh nghiệp sẽ là đơn vị kết nối tiến bộ khoa học giữa chuyên gia với người dân. Ảnh: Quang Yên

Mục tiêu của chương trình là sản xuất cà phê bền vững, giảm giá thành, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng thu nhập cho người dân và doanh nghiệp. Cụ thể chương trình sẽ xây dựng được quy trình canh tác cà phê thông minh áp dụng cho từng tỉnh vùng Tây Nguyên và trình cấp có thẩm quyền công nhận tiến bộ kỹ thuật.

Chương trình sẽ được triển khai tại 5 tỉnh Tây Nguyên, quy mô từ 1-1,5 ha/mô hình; 3 mô hình/tỉnh đối với cà phê vối và cà phê chè (Lâm Đồng).

Ông Ngô Văn Đông, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền cho biết, chương trình nhằm hướng tới việc giúp người dân chuyển đổi mô hình canh tác thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chương trình là kế thừa của những thành quả đạt được từ các dự án mà doanh nghiệp phối hợp với các nhà khoa học, các viện xây dựng quy trình canh tác trên cây trồng khác nhau. Cụ thể, doanh nghiệp vừa tổng kết mô hình cây lúa sau 6 năm triển khai và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

"Kế thừa những thành công này, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền phối hợp với các nhà khoa học triển mô hình canh tác thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu. Khi thực hiện mô hình, công ty sẽ là mắc xích tích cực làm cầu nối tiến bộ khoa học của các chuyên gia đến gần hơn với người dân. Việc này làm sao giúp bà con ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác. Từ đó, chương trình góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững”, ông Đồng nói

Minh Quý

 

Nguồn: nongnghiep.vn
Bottom