Sử dụng phân hữu cơ cho cây lâu năm vùng Tây Nguyên

20/04/2022 16:22:36 GMT+7

Tác dụng của chất hữu cơ đối với đất đai và cây trồng:

- Cung cấp chất dinh dưỡng: Phân hữu cơ cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng như đạm, lân, kali, lưu huỳnh... và một số chất vi lượng khác, tuy vậy số lượng chất dinh dưỡng trong phân hữu cơ thường ít, không đủ cho nhu cầu cây trồng.

- Cải thiện hóa, sinh tính của đất đai. Nhờ tính chất đặc biệt của chất mùn, phân hữu cơ làm tăng khả năng hấp thụ và trao đổi các cation trong đất. Khả năng hấp thụ cation của chất mùn giúp giữ lại các các dưỡng liệu, hạn chế rửa trôi nên người ta thường nói chất hữu cơ làm tăng sức giữ phân của đất.

Chất hữu cơ hết sức cần thiết cho đất

Hiện tượng trao đổi cation rất quan trọng trong các phản ứng về đất đai, nhờ đó cây trồng hấp thu được dưỡng chất. Bên cạnh đó, chất hữu cơ cũng làm số lượng vi sinh vật trong đất tăng lên rất nhiều so với không bón hữu cơ. Các vi sinh vật sau khi phân hóa còn tạo ra một số các chất điều hòa sinh trưởng, kích thích tố cần thiết cho sinh trưởng cây trồng.

- Cải thiện tính chất lý học của đất. Đây là ảnh hưởng quan trọng nhất của chất hữu cơ. Chất hữu cơ làm cơ cấu hình hạt cuả đất được tạo thành dễ dàng. Độ rời rạc, độ dẻo, dính bớt lại, đất trở nên tơi xốp. Khả năng giữ nước tăng lên, nhờ vậy nước bớt chảy tràn khi mưa nhiều, điều này giúp giảm sự xói mòn theo bề mặt và rửa trôi chất dinh dưỡng theo chiều sâu.

Ở nhiều vùng nông nghiệp nước ta, một thời gian dài nông dân chủ yếu dựa vào phân bón khoáng để thâm canh tăng năng suất cây trồng, không chú trọng đến việc bồi hưỡng hữu cơ cho đất, hậu quả là đất đai có chiều hướng giảm sức sản xuất, đất bị chai cứng, hiệu quả phân bón khoáng giảm thể hiện ở chỗ để đạt được năng suất ổn định thì lượng phân bón khoáng năm sau có chiều hướng phải bón nhiều hơn năm trước. Lúc này, chất mùn trong đất sút giảm, không còn tính ngoại hấp nhiều để giữ các cation của phân hóa học khỏi trực di, chất dinh dưỡng trong phân hóa học bị mất đi nhiều qua sự xói mòn bề mặt và rửa trôi theo chiều sâu..

Chất hữu cơ đặc biệt cần thiết cho canh tác ở Tây Nguyên

Nguyên tắc giữ gìn sự phì nhiêu của đất đai là phải luôn cố gắng duy trì một mức hữu cơ (chất mùn) trong đất ở mức khá đầy đủ và chỉ khi nào mức hữu cơ đầy đủ rồi thì việc bón phân khoáng mới có hiệu quả cao. Ở đất cao thoáng, khí hậu nóng ẩm như vùng Tây Nguyên, mùn ít tích tụ trong đất mà bị khoáng hóa rất nhanh, do vậy việc bón kết hợp phân hữu cơ và phân vô cơ là điều cần thiết để tăng cường sức khỏe đất và cây.

Các loại phân hữu cơ ngày nay rất phong phú, có thể chia thành hai nhóm chính như sau:

- Phân hữu cơ truyền thống: Phân chuồng, phân xanh, phân ủ từ phụ phẩm thực vật… Nông dân thường tận dụng chất thải gia súc, gia cầm, phế phụ phẩm trong nông nghiệp để sản xuất phân hữu cơ truyền thống. Chất lượng phân hữu cơ truyền thống ít ổn định, tùy thuộc thành phần nguyên liệu và phương pháp ủ. Loại phân này nếu được ủ tốt cũng có chất lượng cao, mà nông dân đỡ mất tiền mua phân.

- Phân hữu cơ chế biến công nghiệp: Với công nghệ tiên tiến, ngày nay người ta sản xuất ra nhiều loại phân hữu cơ chế biến công nghiệp với khối lượng lớn, chất lượng tốt hơn phân hữu cơ truyền thống. Đây là các loại phân bón hữu cơ được chế biến từ các chất hữu cơ có nguồn gốc khác nhau.

Trong quá trình chế biến, có loại phân hữu cơ còn được đưa vào một số chủng vi sinh vật có ích hoặc phối trộn thêm các dưỡng liệu khoáng vô cơ. Trong nhóm này, có thể kể đến là phân hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh, hữu cơ khoáng... Các loại này thường có hàm lượng hữu cơ từ 18 - 22%. Gần đây còn có phân hữu cơ đậm đặc viên nở nhập từ nước ngoài với hàm lượng chất hữu cơ lên đến 60 - 70%.

Khi bón phân hữu cơ trong các vườn cây lâu năm vùng đất đồi Tây Nguyên, bà con nông dân lưu ý đến các điểm sau:

- Giảm thiểu sự mất mát của phân.

- Tùy loại phân sử dụng mà bón vào các thời điểm thích hợp sao cho cây cối sử dụng được nhiều nhất các ảnh hưởng của chất mùn và dưỡng liệu trong phân.

Phân bón Đầu Trâu Organic đa dụng của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền giúp cải tạo đất và nâng cao năng suất cây trồng

Để làm giảm sự mất mát của phân hữu cơ, khi ủ phân chuồng nhớ che kín đống phân vì nếu chưa kịp sử dụng gặp mưa to, nước sẽ làm trôi hầu hết các chất có thể hòa tan trong đống phân. Đem bón phân hữu cơ ra đồng, tốt nhất là đào rãnh chôn phân. Chôn sâu hay cạn không quan trọng, miễn sao là lớp đất đủ hấp thụ các chất NH3 phát sinh khỏi bốc hơi bay lên khỏi mặt đất là được.

Kết quả của một số nghiên cứu cho thấy rằng, nếu không chôn vùi phân chuồng trong cùng ngày bón phân ra đồng thì chỉ hai hôm sau hiệu quả của phân chuồng giảm đi khoảng 20 - 30%. Dùng phân chuồng đã hoai bón lót cho cây trồng trước 3 - 4 tháng thì hiệu quả phân chuồng giảm đi 60 - 80%. Do vậy, để bón lót phân chuồng cho cây lâu năm, chỉ bón lót và trộn phân lấp hố trước 15 - 20 ngày trước khi trồng cây, nếu phân chưa hoai mục hoàn toàn thì thời gian bón lót có thể lâu hơn, khoảng 1 tháng.

Dùng các loại phân hữu cơ chế biến chỉ cần trộn đều phân với đất mặt rồi lấp vào hố trước vài ngày trước khi trồng cây. Các loại phân hữu cơ chế biến công nghiệp vì có hàm lượng các chất dinh dưỡng dễ tiêu trong phân cao nên cũng có thể dùng để bón thúc cho cây trồng. Không nên bón các loại phân hữu cơ vi sinh trong mùa khô nếu không đảm bảo điều kiện che phủ phân và giữ ẩm lớp đất mặt để phát huy tác dụng của các loại vi sinh vật có lợi trong phân khi bón vào đất.

Tây Nguyên có khí hậu nóng ẩm, vi sinh vật hoạt động mạnh, sự phân giải chất hữu cơ và chất mùn xảy ra rất nhanh, không cần ủ cho phân mục hoàn toàn làm gì, nhất là khi bón cho các loại cây lâu năm như cây cà phê, cây ăn trái... Riêng với cây hồ tiêu, do có bộ rễ yếu, nhạy cảm với các sự thay đổi về môi trường và sự tấn công của sâu bệnh hại, vì vậy nên bón phân chuồng đã ủ hoai mục và nên tránh đào rãnh làm đứt rễ tiêu. Bà con có thể bón phân hữu cơ trên mặt đất xung quanh gốc tiêu rồi cào cỏ rác trên lô lấp phân hay kéo lớp đất mặt ở phía ngoài tán vun gốc lấp phân, hạn chế mất phân.

TS TÔN NỮ TUẤN NAM

 

Nguồn: nongnghiep.vn

Liên kết website

Mở liên kết
Bottom