Nông dân ứng phó với thời tiết khô hạn

15/04/2024 08:20:47 GMT+7

Chị Hoàng Thị Trang (thôn 3, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) trồng khoảng 8 ha cà phê. Ngoài việc phải được cung cấp đủ dưỡng chất thì cà phê là cây trồng có nhu cầu nước rất lớn, đặc biệt là vào mùa khô.

Mùa này, trung bình khoảng hai tuần đến gần một tháng, gia đình chị sẽ tưới một lần. Trung bình mỗi đợt, gia đình chị phải tưới từ 20 - 30 giờ mới đảm bảo cung cấp đủ nước, chống hạn cho cây cà phê. Do phải thuê cả nguồn điện và nguồn nước nên mỗi lần tưới, gia đình chị tiêu tốn đến vài triệu đồng.

"Nếu không tưới kịp thời, năng suất của cây cà phê sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, để hạn chế nước bốc hơi nhanh, qua đó giúp giảm số lần tưới, trong lúc vệ sinh vườn, gia đình tôi sẽ giữ lại một lớp cỏ cao khoảng 3 - 4 cm để giữ độ ẩm cho đất vào mùa này”, chị Trang cho hay.

Chị Hoàng Thị Trang (thôn 3, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) tưới nước cho cà phê của gia đình.

Gia đình ông Ngọc Văn Dương (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) có hơn 7 sào cà phê. Những ngày qua, do thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng kéo dài, nhiều loại sâu hại phát sinh trên vườn cây; trong đó, đáng chú ý là rệp sáp đang tấn công mạnh, đe dọa đến năng suất cà phê vụ này. Đây là một trong những côn trùng gây hại đáng lo ngại nhất trên cây cà phê do đặc tính lây lan nhanh, rất khó phòng trừ. Khi bị nhiễm rệp sáp nặng, trái cà phê phát triển chậm; nếu không diệt trừ kịp thời, chùm trái sẽ bị khô hỏng, ảnh hưởng đến năng suất vụ tới. Trường hợp cây bị nặng, gặp nắng nóng kéo dài có thể khô héo, dẫn đến chết cây. “Mấy ngày nay, bên cạnh triển khai các biện pháp để phòng trừ thì trong lúc tưới cây cà phê, tôi cũng dùng nước phun rửa sạch những chùm hoa dính rệp sáp nhằm hạn chế lây lan ra cả vườn. Tuy nhiên nếu thời tiết khô hạn kéo dài, không có mưa thì sẽ rất khó xử lý dứt điểm được”, ông Dương lo lắng.

Để ứng phó với thời tiết khô hạn, nhiều nông hộ trên địa bàn tỉnh đã áp dụng hình thức tưới tiết kiệm nước. Gia đình chị Huỳnh Thị Thảo (xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) vụ này trồng khoảng 1 ha ngô. Do nắng nóng liên tục nên cây ngô chậm phát triển, lá cháy vàng, khô héo. Để duy trì độ ẩm cho vườn ngô và tiết kiệm nước tưới, gia đình chị đã đầu tư 15 triệu đồng để lắp hệ thống tưới nhỏ giọt. “Với tình hình thời tiết nắng nóng như hiện nay thì khoảng 3 - 4 ngày, tôi sẽ tưới một lần. Ngoài bón và phun các loại phân bón lá, thuốc trừ sâu cho cây ngô bằng những cách thông thường, gia đình tôi còn hòa tan phân bón vào nước để bón cho cây qua hệ thống tưới nhỏ giọt. Với cách làm này vừa tiết kiệm được nước tưới, vừa bảo đảm dinh dưỡng để diện tích ngô của gia đình tôi vẫn đạt năng suất cao trong mùa nắng hạn”, chị Thảo bộc bạch.

Chị Huỳnh Thị Thảo (xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt để tưới cho cây ngô.

Nắng nóng kéo dài cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của một số loại rau màu, nhất là rau ăn lá, rau gia vị. Trồng 5 sào rau các loại như: ngò, hành lá, bắp cải, cà chua…, mùa này ngày nào gia đình chị Nguyễn Thị Yến (xã Ea Kmút, huyện Ea Kar) cũng phải bật nước tưới rau liên tục. Để đảm bảo nguồn nước cho vườn rau, chị còn đầu tư hệ thống máy phun sương tưới cho rau; thường xuyên duy trì nước trong rãnh giữa các luống để làm mát cho rau.

Không chỉ tác động đến lĩnh vực trồng trọt, nắng nóng cũng gây ảnh hưởng nhất định đến ngành chăn nuôi, nhất là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và chăn thả. Chị Lê Thị Anh (thôn 9, xã Ea Drông, thị xã Buôn Hồ) cho biết, gia đình chị đang nuôi hơn 700 con gà. Nắng nóng kéo dài đã làm giảm sức đề kháng của đàn gà, dễ phát sinh các bệnh truyền nhiễm, nên trong những ngày trời nắng gắt, gia đình chị thường bơm nước lên làm mát mái chuồng trại để hạ nhiệt độ, đồng thời bổ sung vitamin C, pha các chất điện giải để đàn gà giải nhiệt, tăng sức đề kháng.

Ngọc Thùy

Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

Liên kết website

Mở liên kết
Bottom