Thời cơ từ Chỉ dẫn địa lý cho hồ tiêu Ðắk Nông

12/01/2022 11:06:32 GMT+7

Các HTX được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) trao chứng nhận CDĐL gồm: HTX Nông nghiệp Hữu cơ Đắk Nông (Gia Nghĩa); HTX Hồ tiêu hữu cơ Bình Tiến (Đắk Song); HTX Nông nghiệp – Thương mại – Dịch vụ tổng hợp Hưng Phát (Đắk R’lấp).

Trong đó, HTX Hồ tiêu hữu cơ Bình Tiến vùng nguyên liệu hồ tiêu 160 ha. Hiện nay, HTX liên kết 63 thành viên cùng sản xuất hồ tiêu đạt chứng nhận VietGAP và RainForest. HTX đã đăng ký nhãn hiệu sở hữu trí tuệ hồ tiêu “Nam Bình Tiến”.

Từ năm 2017 đến nay, mỗi năm, HTX xuất bán trên 700 tấn hồ tiêu hữu cơ. Đáng chú ý, sản phẩm hồ tiêu của HTX luôn có giá cao hơn thị trường từ 20-30%. Phần lớn sản phẩm của HTX được xuất khẩu qua Ấn Độ.

HTX Hồ tiêu hữu cơ Bình Tiến có thêm nhiều cơ hội hợp tác, phát triển hồ tiêu bền vững nhờ có CDĐL

Theo ông Đồng Xuân Liền, Giám đốc HTX Hồ tiêu hữu cơ Bình Tiến, người tiêu dùng hiện nay ưa chuộng các sản phẩm hữu cơ, thân thiện với môi trường. Việc HTX được cấp chứng nhận CDĐL có ý nghĩa rất lớn.

Nhờ có CDĐL, giá trị sản phẩm hồ tiêu của Đắk Nông nói chung, HTX nói riêng, được nhiều người biết đến, đầu ra thuận lợi hơn. CDĐL mang lại các cơ hội phát triển hồ tiêu bền vững.

"CDĐL sẽ là động lực cho HTX và nông dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc xây dựng sản phẩm hồ tiêu Đắk Nông trở nên có giá trị hơn”, ông Liền chia sẻ.

Còn HTX Nông nghiệp Hữu cơ Đắk Nông cũng đang có 25 ha hồ tiêu được chứng nhận VietGAP, với sản lượng khoảng 100 tấn hạt tiêu/năm. Hiện nay, HTX đã triển khai các thủ tục đề nghị đạt chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ Nhật Bản, Mỹ, EU.

Theo ông Phạm Văn Thạch, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hữu cơ Đắk Nông, thuận lợi lớn nhất của HTX là sản xuất hồ tiêu hữu cơ, các thành viên giàu kinh nghiệm trong canh tác.

Sau khi được cấp CDĐL, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu mong muốn hợp tác với HTX để sản xuất hồ tiêu. HTX đang hướng tới mở rộng diện tích sản xuất hồ tiêu, đáp ứng nhu cầu đặt hàng của các đối tác.

Đắk Nông là một trong những địa phương có diện tích hồ tiêu lớn nhất nước, với khoảng 33.600 ha, sản lượng trên 60.000 tấn/năm. Các sản phẩm tiêu đen, tiêu đỏ, tiêu trắng đã được cấp CDĐL "Đắk Nông".

Người dân Đắk Nông ngày càng chú trọng sản xuất hồ tiêu hữu cơ

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT, CDĐL đã đánh dấu thành công lớn trong việc khẳng định chất lượng, vị thế của hồ tiêu Đắk Nông trên thị trường trong nước và quốc tế. Do đó, ngành hồ tiêu cần tập trung tận dụng, khai thác tốt các cơ hội mà CDĐL mang lại.

Ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, để đưa hồ tiêu xuất khẩu, đứng vững trên thị trường thế giới, Đắk Nông cần tiếp tục định hướng người dân tập trung canh tác hiện đại, chế biến sâu các sản phẩm.

Thời gian tới, tỉnh sẽ quản lý chặt việc sử dụng CDĐL về hồ tiêu đối với các tổ chức, cá nhân đã được trao quyền sử dụng. Các HTX, doanh nghiệp, nông dân cũng cần tiếp tục xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh bền vững đối với hồ tiêu...

Thanh Nga

nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"
Bottom