Hãy "nói không" với thuốc bảo vệ thực vật

06/12/2021 11:01:37 GMT+7

Nhiều năm nay, anh Nguyễn Xuân Thủy, ở thôn 6, xã Thuận Hạnh (Đắk Song) đã “nói không” với thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Anh hiện đang chăm sóc gần 2 ha hồ tiêu bằng kỹ thuật hữu cơ. Anh sử dụng các loại thuốc sinh học và phân chuồng để chăm sóc cho vườn cây.

Cũng nhờ canh tác theo kỹ thuật hữu cơ, nên sản phẩm hồ tiêu của anh đã được HTX Nông nghiệp hữu cơ Hoàng Nguyên mua với giá cao hơn tiêu thông thường từ 1,5-2 lần.

Anh Thủy chia sẻ: “Hiện nay, sản phẩm hồ tiêu hữu cơ đang được thị trường thế giới mua vào với số lượng lớn, giá cao gấp 2 lần so với hồ tiêu thông thường, nên chúng tôi yên tâm đầu tư sản xuất”.

Vườn tiêu của anh Nguyễn Xuân Thủy, xã Thuận Hạnh (Đắk Song) được chăm sóc theo kỹ thuật hữu cơ. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Chị Hứa Thị Niên, thôn Thanh Sơn, xã Buôn Choáh (Krông Nô) cho biết, trên địa bàn có khoảng 650 ha đất trồng lúa. Trước đây, bà con thường lạm dụng thuốc BVTV để trừ sâu, diệt cỏ.

Thế nhưng, hiện nay, bà con đã thay đổi và chuyển sang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Bà con đã chọn trồng các giống lúa đặc sản như ST24, ST25, vừa cho năng suất cao, vừa bán được giá.

"Lúa VietGAP của chúng tôi thường có giá bán cao gấp 1,5 lần so với lúa thông thường. Từ hiệu quả này, chúng tôi đang tiếp tục nỗ lực trồng lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ, phục vụ thị trường xuất khẩu", bà Niên chia sẻ.

Theo bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTTN, người dân đã quan tâm hướng tới kỹ thuật sản xuất bền vững. Đáng mừng nhất là đa số người dân đã không còn lạm dụng thuốc BVTV trong trồng trọt.

Điều này không chỉ bảo đảm cho việc sản xuất an toàn, mà còn tạo ra các sản phẩm chất lượng, hiệu quả trong sản xuất. "Thực tế, sản xuất sạch là xu hướng tất yếu. Bởi vì, thị trường luôn đòi hỏi rất khắt khe, chỉ có những sản phẩm sạch mới tồn tại bền vững được", bà Tình cho biết.

Cánh đồng lúa của HTX Nông nghiệp Buôn Choáh (Krông Nô) được sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ nên sản phẩm luôn đạt tiêu chuẩn VietGAP

Theo Tổng Hội Nông nghiệp và PTNT, Việt Nam là một trong những quốc gia sử dụng hóa chất BVTV nhiều và khó kiểm soát. Trong 10 năm qua, trung bình mỗi năm nước ta nhập khẩu khoảng 100.000 tấn thuốc BVTV.

Trung bình 5 năm trở lại đây, Việt Nam chi từ 500-700 triệu USD để nhập hóa chất BVTV. Trong đó 48% là thuốc diệt cỏ (tương đương 19.000 tấn), còn lại là thuốc trừ sâu, trừ bệnh.

Từ năm 2019 trở lại đây, số lượng thuốc BVTV nhập khẩu vào nước ta đã giảm, còn khoảng 75.000 tấn/năm, trong đó khoảng 20% là thuốc sinh học. Đây là tín hiệu rất tích cực đối với nền nông nghiệp.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Tình, việc nhập, sử dụng nhiều hóa chất thì giá nông sản bán trên thế giới càng giảm. Vì thế, cần phải có giải pháp giảm thiểu tối đa việc nhập khẩu thuốc BVTV độc hại để từ đó nâng giá trị các sản phẩm lên.

Bên cạnh đó, mỗi người dân hãy "nói không" với thuốc BVTV, hóa chất độc hại trong sản xuất, trồng trọt. Các cơ quan chuyên môn cũng cần thường xuyên kiểm tra hoạt động kinh doanh, buôn bán thuốc BVTV, vật tư nông nghiệp, để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Từ đó, mang lại môi trường sản xuất lành mạnh, an toàn.

Bài, ảnh: Thanh Nga

nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"
Bottom