Hai chuyện rất khó lý giải của hồ tiêu Việt Nam

30/05/2016 09:11:48 GMT+7

4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hồ tiêu tăng trưởng tốt cả về lượng lẫn giá trị. Dự báo năm nay nhiều khả năng xuất khẩu tiêu lại đạt kỷ lục mới về giá trị. Thế nhưng trong ngành hồ tiêu đang có những chuyện khó lý giải.

Giá tăng dù bán ra nhiều

Chuyện khó lý giải thứ nhất là giá tiêu trên thị trường nội địa đang liên tục tăng lên, khi mà thị trường trong nước và trên thế giới có những vấn đề không thích hợp cho việc tăng giá.

Cụ thể, theo ông Hoàng Phước Bính, PCT Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), cách đây gần 2 tháng, giá đầu giá đối với tiêu đen ở Chư Sê đã giảm xuống chỉ còn 130.000 đ/kg, nhưng sau đó đã liên tục tăng lên và hiện đã ở mức gần 180.000 đ/kg.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), cũng xác nhận, giá tiêu đã xuống tới mức trên 130.000 đ/kg rồi bật tăng mạnh lên tới 180.000 đ/kg. Giá tiêu liên tục tăng mạnh trong thời gian qua là rất khó lý giải, khi mà 2 thị trường đầu cơ lớn vốn mua nhiều tiêu của Việt Nam là Singapore và Dubai đều đã sụp đổ, vỡ nợ. Giá tiêu XK thì giảm xuống (tháng 2 và tháng 3).

Bên cạnh đó, trong tháng 4, các doanh nghiệp xuất khẩu rất nhiều tiêu (trên 20.000 tấn), đồng nghĩa với việc nông dân bán nhiều tiêu ra thị trường, vậy mà giá tiêu vẫn cứ tăng lên mạnh và liên tục. Ông Nam thử đưa ra một số giả thuyết để lý giải cho sự tăng giá tiêu nội địa: El Nino làm giảm sản lượng ở nhiều nước trồng tiêu; nhiều nước chưa vào vụ tiêu mới; hồi đầu vụ, nhiều hộ nông dân trồng tiêu ở Việt Nam do cần tiền để chi tiêu nên đã bán ra nhiều tiêu, khiến giá giảm xuống chỉ còn trên 130.000 đ/kg, sau đợt đó chỉ còn những hộ có tiềm năng kinh tế tốt, vẫn trữ tiêu lại và bán ra từ từ khiến cho giá tiêu tăng liên tục trở lại.

Đây chính là sự điều tiết chủ động của chính nông dân trồng tiêu, nhất là những hộ đã có nhiều kinh nghiệm, có khả năng phân tích, dự báo thị trường và có cơ sở kinh tế vững vàng. Chính sự điều tiết chủ động ấy sẽ giúp cho giá tiêu trong những năm tới khó giảm, kể cả khi sản lượng tiêu tăng nhiều do tăng diện tích ở nhiều địa phương (nhưng việc tăng mạnh diện tích về lâu dài sẽ gây ra những bất ổn khó lường).

Đến hết năm 2015, theo thống kê của 7 tỉnh sản xuất hồ tiêu lớn nhất (Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Đồng Nai và Quảng Trị), diện tích tiêu ở các tỉnh này đã là 86.216 ha. Giá tiêu XK dù có giảm so với hồi đầu năm và so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn ở mức cao. Dự báo của Hiệp hội Gia vị Mỹ (ASTA) cho hay giá tiêu trên thế giới sẽ tăng lên trong thời gian tới do hạn chế về nguồn cung.

Riêng trong năm 2016 này, nguồn cung hồ tiêu trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi El Nino, gây thiệt hại về sản lượng ở nhiều nước trồng tiêu, trong khi sản lượng tiêu Việt Nam không có biến động lớn. Những yếu tố này cũng sẽ hỗ trợ giá tiêu trong nước thời gian tới.

Trồng tốt cũng nhiễm Carbendazim

Chuyện khó lý giải khác đang gây đau đầu cho cả doanh nghiệp lẫn người trồng tiêu Việt Nam là nhiều lô hàng bị các thị trường khó tính trả lại bởi phát hiện nhiễm dư lượng Carbendazim, mà việc nhiễm dư lượng chất này đến nay vẫn chưa biết từ đâu.

Ông Hoàng Phước Bính cho biết, vừa qua, Cục Trồng trọt đã cùng Hiệp hội này đi khảo sát một số hộ trồng tiêu trên địa bàn. Một hộ là nông dân tiêu biểu toàn quốc, thắc mắc, hộ này phun thuốc BVTV trên tiêu lần cuối cùng là tháng 8 năm trước, đến tháng 1 năm sau mới thu hoạch, tháng 4 lô tiêu có nguồn gốc từ vườn tiêu của hộ này mới được XK, thế nhưng khi cơ quan chức năng nước ngoài lấy mẫu kiểm tra vẫn phát hiện dư lượng Carbendazim gấp 10 lần cho phép.

Ông Đỗ Hà Nam cũng thông tin, một nông trường ở Tây Nguyên đang tiến hành trồng tiêu vào loại tốt nhất hiện nay. Nông trường này đã triển khai trồng tiêu theo hướng bền vững, an toàn một cách rất bài bản, nghiêm túc. Thế nhưng khi kiểm tra 10 mẫu tiêu có nguồn gốc từ nông trường này, người ta phát hiện 2 mẫu có dư lượng Carbendazim. Thông tin đó khiến ai cũng ngỡ ngàng.

Như vậy, khi mà nông dân đã tuân thủ nghiêm túc việc sử dụng thuốc BVTV, đã sản xuất bền vững, an toàn, thì dư lượng Carbendazim ở trong tiêu bắt nguồn từ đâu? Từ trong đất, trong nguồn nước hay từ một nguyên nhân nào khác. Ông Nam cho rằng các cơ quan chức năng, các nhà khoa học cần vào cuộc để tìm ra nguyên nhân thực sự gây ra tồn dư Carbendazim trong hồ tiêu hiện nay.

Nguồn Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn:giatieu.com
Bottom