Chuyển cà phê sang trồng tiêu ?

28/07/2015 10:04:15 GMT+7

Điều này khiến hồ tiêu trở thành cây được bà con lựa chọn để trồng thay thế cà phê. Thực tế này một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về vòng luẩn quẩn “chặt – trồng, trồng – chặt” trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
 
 

Nhiều nông hộ đã đốt phá rẫy cà phê già cỗi

“Chuyện cũ như mới”!

Ông Nguyễn Bá Khẩn ở xã Tân Tiến (Buôn Đôn – Đăk Lăk) cho biết, gia đình ông có 5 sào cà phê canh tác được 17 năm, đến nay, hầu hết đã già cỗi nên sản lượng thu về chẳng được bao nhiêu. Hiện hồ tiêu đang có giá nên ông chặt bỏ cà phê để trồng tiêu.

Cũng chung “chí hướng” trồng tiêu thay cà phê, ông Nguyễn Văn Hải ở xã Ea Nhôn (Buôn Đôn) đang đưa trên 400 trụ tiêu vào trồng dày đặc trong 4 sào càphê “lão hóa”. Ông Hải cho biết: “Tôi chưa phá cà phê vội vì để che bóng mát cho tiêu. Chờ năm sau, tiêu bén xanh tôi mới chặt bỏ hoàn toàn cà phê, ở đây người ta toàn làm vậy. Khó khăn lớn nhất của việc trồng tiêu là giá trụ hơi đắt, trên 200.000 đồng/trụ, trước đây rừng còn nhiều nên dễ kiếm, giờ phải mua lại nên chi phí đội lên đáng kể”.

Tại huyện Cư Kuin (Đăk Lăk) cũng xảy ra tình trạng tương tự, năm trước, toàn huyện mới có trên 1.200ha tiêu, nay tăng lên 1.500ha, tập trung ở các xã Ea Bhôk, Ea Ning, Ea Hu… Theo đánh giá của ngành nông nghiệp Đăk Lăk, diện tích tiêu của tỉnh không dừng lại ở con số 5.700-5.800ha mà sẽ tăng gấp đôi so với quy hoạch, khoảng 10.000ha. Các vùng trồng tiêu ngoài quy hoạch ở địa bàn Ea H’Leo, Krông Buk, Buôn Hồ, Krông Pak, Krông Năng,… hiện đã lên đến 300-400ha. Đây là mối lo của ngành nông nghiệp vốn đã bấp bênh và thiếu bền vững như hiện nay.

Lâm Đồng là tỉnh đứng thứ hai cả nước (sau Đăk Lăk) về diện tích càp hê với gần 145.000ha, chiếm khoảng 26% tổng diện tích và 28% sản lượng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, mặc dù chưa có số liệu thống kê về diện tích cà phê bị chặt bỏ nhưng diện tích tiêu đã tăng lên gần 1.000ha, tập trung tại các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên. Đáng chú ý, là trong số này có một số diện tích không nhỏ từ việc chuyển đổi cây trồng, chủ yếu là phá cà phê chuyển sang trồng hồ tiêu.

Những trụ tiêu đã nhanh chóng thế chỗ

Hệ lụy khôn lường

Việc mở rộng diện tích hồ tiêu sẽ không có gì đáng bàn nếu thực hiện đúng quy hoạch, đằng này người dân lại bất chấp thổ nhưỡng, khí hậu có phù hợp hay không, ồ ạt phá bỏ vườn cà phê, cây ăn trái để trồng tiêu mà không tuân thủ quy trình kỹ thuật, dẫn đến dịch bệnh lan nhanh, tiêu chết hàng loạt.

Bà Lê Thị Tám ở xã Ea Kao (TP.Buôn Ma Thuột – Đăk Lăk) cho biết: “Gia đình  có hơn 600 trụ tiêu mới trồng cuối năm 2013, đến nay không hiểu sao vườn tiêu có biểu hiện chững lại rồi vàng lá và chết rất nhanh, hiện đã chết trên 300 trụ, nhiều trụ khác đang tiếp tục vàng lá”.

Theo phỏng đoán của bà Tám, có lẽ tiêu chết là do thời gian qua bị ngập úng vì mưa nhiều. Bà Tám cho biết thêm, do cà phê già cỗi, sản lượng chẳng được bao nhiêu nên bà chuyển sang trồng tiêu.

Cũng chung số phận với những vườn tiêu khác, vườn tiêu của gia đình anh Bùi Văn Nghĩa ở xã Quảng Phú (Cư M’gar) đã chết trên 100/300 trụ với những triệu chứng tương tự. Theo anh Nghĩa, từ khi phát hiện vườn tiêu nhiễm bệnh, gia đình đã tìm mua thuốc chữa trị nhưng vẫn không hiệu quả.

Việc ồ ạt chặt phá cà phê để trồng tiêu ở Tây Nguyên còn là mối đe dọa lớn đối với định hướng phát triển cà phê bền vững. Được biết, tỉnh Đăk Lăk đã và đang thực hiện Đề án phát triển cà phê bền vững đến năm 2015, định hướng đến năm 2020,  tổng số vốn đầu tư 1.647 tỷ đồng với một số chỉ tiêu cụ thể: duy trì diện tích ổn định 150.000ha, sản lượng bình quân 400.000 tấn/niên vụ… Tuy nhiên, việc thực hiện đề án này cũng không hề đơn giản bởi 85% diện tích cà phê là do người dân tự trồng và quản lý, do vậy quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, lại còn bị tác động bởi việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tự phát như hiện nay.

Ngoài ra, tình trạng người dân đổ xô trồng tiêu còn gây hệ lụy khác là xâm hại tài nguyên rừng, phá rừng trái phép khi bà con săn lùng trụ tiêu về bán.

Câu chuyện về việc ồ ạt trồng sắn không theo quy hoạch của nông dân đã và đang để lại nhiều bài học cay đắng khi diện tích tăng nhanh, phá vỡ quy hoạch, xâm hại đến rừng, giờ lại đến cây tiêu. Không biết sẽ còn bao nhiêu diện tích cà phê bị phá, tương ứng với bao nhiêu cây tiêu mọc lên nhưng hệ lụy cả trước mắt và lâu dài đã nhìn thấy rõ. Nếu không kiểm soát tốt diện tích trồng và chất lượng, rất có khả năng, danh hiệu “thủ phủ” hồ tiêu của Việt Nam sẽ bị chính chúng ta hủy hoại.

 

Nguồn Trí Tín
Bottom