Đắk Song phát triển hồ tiêu bền vững

02/08/2022 15:58:22 GMT+7

Ngành sản xuất hồ tiêu trên địa bàn ngày càng ổn định, đầu ra bền vững.

Chú trọng phương pháp sinh học

HTX Nông nghiệp Nam Thịnh, xã Nam Bình (Đắk Song), gồm 175 thành viên, với vùng nguyên liệu 140 ha hồ tiêu hữu cơ. Theo ông Nguyễn Thanh Hải, thành viên của HTX, gia đình ông có hơn 3.000 trụ tiêu.

Ông chọn giải pháp trồng tiêu bằng trụ sống, chú trọng chăm sóc vườn cây theo hướng an toàn, hữu cơ. Ông Hải chỉ sử dụng phân bón sinh học; diệt sâu bệnh, nấm bằng các chế phẩm sinh học, hoàn toàn không sử dụng thuốc diệt cỏ.

Ông Hải cho biết: "Trồng tiêu theo hướng hữu cơ sinh học vừa khỏe cho người, vừa an toàn cho cây trồng. Sản phẩm hồ tiêu của gia đình tôi đã được cấp chứng nhận tiêu hữu cơ...".

Theo ông Lê Công Sinh, Giám đốc HTX, tất cả diện tích hồ tiêu của các thành viên đều áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, sinh học. Đây cũng là tiêu chuẩn mà đơn vị thu mua liên kết với HTX đưa ra.

Ưu điểm của sản xuất theo hướng hữu cơ là hạn chế các bệnh do nấm gây ra, các bệnh chết nhanh, chết chậm đã cơ bản được kiểm soát. Sản phẩm hồ tiêu bán ra thị trường cũng có giá cao hơn nhiều so với tiêu thông thường.

Không riêng gì HTX Nông nghiệp Nam Thịnh, huyện Đắk Song hiện có 11 HTX phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững.

Toàn huyện có hơn 13.500 ha hồ tiêu, trong đó có hơn 12.500 ha cho thu hoạch, sản lượng hơn 32.500 tấn/năm.

Hiện nay, đã có 2.122 ha hồ tiêu của bà con ở Đắk Song được sản xuất bền vững, đạt các tiêu chuẩn nông nghiệp sạch như: VietGAP,  Rainforest alliance, Grown fof good...

Người dân ngày càng chú trọng sử dụng các biện pháp sinh học để chăm sóc, phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững. Các vườn hồ tiêu được người dân sử dụng rộng rãi các chế phẩm sinh học, sử dụng phân bón hữu cơ để chăm sóc.

Đắk Song đang hình thành nhiều vùng sản xuất hồ tiêu bền vững

Kết nối đầu ra bền vững

Ngoài thay đổi về quy trình sản xuất, huyện Đắk Song đã bố trí kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng xây dựng 12 mô hình chăm sóc hồ tiêu bằng chế phẩm sinh học tại các xã để làm điểm tham quan, học tập kinh nghiệm.

Huyện xây dựng 18 điểm mô hình sử dụng chế phẩm sinh học phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững; thực hiện 8 điểm mô hình tưới nhỏ giọt cho vườn tiêu.

Đặc biệt, huyện đã xây dựng thành công 2 vùng sản xuất hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao, với tổng diện tích hơn 1.500 ha ở xã Thuận Hà và xã Thuận Hạnh.

Thời gian qua, huyện đã kết nối với nhiều công ty để liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm hồ tiêu cho nông dân. Đơn cử, Công ty Trân Châu đã liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho 350 hộ dân, với 771 ha hồ tiêu, sản lượng 2.313 tấn/năm.

Công ty Sam Agritech liên kết với 200 hộ dân sản xuất 300 ha hồ tiêu, sản lượng 1.000 tấn/năm. Toàn bộ sản phẩm của các hộ đều đạt chứng nhận Rainforest.

Công ty Cổ phần HAPROSIMEX liên kết phát triển sản xuất tiêu theo hướng bền vững, đạt tiêu chuẩn Rainforest Alliane cho người dân tại xã Nâm N’Jang, với quy mô 300 ha, sản lượng 1.000 tấn/năm.

Công ty TNHH Olam Việt Nam Chi nhánh Long Bình liên kết với 30 hộ nông dân sản xuất diện tích 50 ha tiêu hữu cơ theo tiêu chuẩn Mỹ và châu Âu (USDA/NOP & EU), sản lượng 150 tấn/năm...

Theo ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đắk Song, qua 6 năm thực hiện Nghị quyết 03, người dân đã biết áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, vật tư, phân bón, biện pháp thâm canh... vào sản xuất hồ tiêu.

Các ngành chức năng của huyện thường xuyên kiểm tra, bám sát địa bàn, hướng dẫn người dân sản xuất, chăm sóc vườn cây hiệu quả. Việc dự tính, dự báo để phòng, chống dịch bệnh trên hồ tiêu đã diễn ra kịp thời.

Huyện đã đề ra 9 giải pháp để phát triển hồ tiêu bền vững. Trong đó, huyện chú trọng phát triển hồ tiêu theo hướng hữu cơ, sinh học, xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn mác, liên kết chuỗi giá trị…

Bài, ảnh: Hưng Nguyên

 

Nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"
Bottom