Vì sao ít thay đổi cách thu hái, bảo quản cà phê ?

08/12/2021 10:47:37 GMT+7

Gia đình ông Trần Xuân Hồng, thôn 3, xã Trường Xuân (Đắk Song) có 3 ha cà phê. Khó tìm nhân công, giá thuê công cũng cao, nên từ đầu vụ, ông xác định tự thu hoạch. Với 3 lao động, gia đình ông đã chọn những cây có lượng quả chín nhiều hái trước một lượt.

Sau 3 tuần, gia đình ông hái xong toàn bộ vườn cà phê, trong đó rất nhiều cây có lượng quả xanh chiếm trên 50%. Ông Hồng cho hay, dù biết việc hái cà phê với tỷ lệ quả chín cao sẽ tốt hơn. Thế nhưng, do cà phê chín không đều, việc thu hái theo quy trình kỹ thuật sẽ tốn rất nhiều công. Do đó, ông buộc phải hái xô cả xanh lẫn chín để tiết kiệm công và thời gian.

Cũng theo ông Hồng, cà phê sau khi hái từ rẫy được chuyển về nhà phơi trên bạt. Khi thời tiết nắng ráo, việc phơi cà phê diễn ra thuận lợi. Còn những ngày có mưa, ông không thể bảo quản, nên cà phê dễ ẩm, mốc.

Nhiều hộ dân vẫn thu hái cà phê với tỷ lệ quả xanh cao

Nhiều năm qua, bà Nguyễn Thị Thu, thôn Tân Lợi, xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa) cũng thu hái, phơi cà phê theo cách này. Theo bà Thu, giá bán cà phê tại các đại lý hầu như không có sự khác biệt giữa cà phê xanh và chín. Do đó, bà chưa chú trọng nhiều đến khâu thu hoạch, bảo quản cà phê theo quy trình.

Theo Sở NN - PTNT, thu hái cà phê đúng cách, tỷ lệ quả chín cao là điều đã được ngành Nông nghiệp lưu ý từ lâu. Mỗi khi đến vụ thu hoạch cà phê, ngành Nông nghiệp đều có văn bản khuyến cáo, hướng dẫn người dân quy trình hái, bảo quản sản phẩm. Thế nhưng, mức độ chuyển biến của bà con nông dân hầu như không đáng kể.

Thực tế, vẫn có những hộ sản xuất, thu hái, sơ chế cà phê đúng cách, nhất là đối với những hộ dân có liên kết với các công ty hoặc áp dụng các quy trình từ sản xuất cà phê theo các chuỗi giá trị.

Thu hái cà phê đúng cách góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm

Thống kê của ngành Nông nghiệp cho thấy, đến năm 2020, diện tích cà phê có liên kết sản xuất là hơn 13.100/116.100 ha, chỉ chiếm 8,9%. Các doanh nghiệp trong các chuỗi liên kết đều tăng giá thu mua sản phẩm cà phê từ 100-500 đồng/kg.

Thế nhưng, ngoài số ít diện tích cà phê theo chuỗi này, sản lượng cà phê còn lại của tỉnh đều được thu mua qua các đại lý. Phần lớn các đại lý đều không có sự phân biệt về giá đối với cà phê được hái chín hay xanh.

Đây được xem là một trong những nguyên nhân khiến cho nhiều người trồng cà phê chưa áp dụng việc thu hái sản phẩm đúng cách. Theo một số doanh nghiệp, ngoài việc tuyên truyền, vận động, ngành Nông nghiệp cần nghiên cứu cơ chế để khuyến khích, bắt buộc người dân thu hái, sơ chế cà phê đúng cách.

Cơ chế này cũng cần tính đến việc ràng buộc các cơ sở, đại lý thu mua cà phê đạt chất lượng, áp dụng theo đúng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của ngành hàng cà phê. Nếu làm được điều này, người trồng cà phê sẽ giảm thiểu được những tác động của thị trường, chủ động được giá cả, góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững.

 

Theo bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT, tháng 10/2021, đơn vị đã có công văn hướng dẫn thu hoạch, sơ chế, bảo quản cà phê vụ mùa năm 2021. Trong đó, đối với chế biến cà phê ướt, tỷ lệ quả chín phải đạt từ 90% trở lên, đợt thu hoạch cuối vụ phải đạt từ 85% trở lên. Đối với chế biến khô, tỷ lệ quả chín đạt từ 85% trở lên, cuối vụ đạt từ 75%  trở lên…

 

Bài, ảnh: Hồng Thoan

Nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"

Liên kết website

Mở liên kết
Bottom