Nông sản hẹp đường tiêu thụ

29/05/2021 08:54:45 GMT+7

Thị trường thiếu ổn định

Thời gian qua, Đắk Nông triển khai tích cực nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành về tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông, tiêu thụ hàng hóa nông sản.

Vùng trồng xoài xuất khẩu ở Đắk Mil chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc

Cụ thể, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành có liên quan, các địa phương hỗ trợ, tạo thuận lợi cho hoạt động lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa, nhất là đối với nguyên liêu phục vụ sản xuất và nông sản.

Bộ phận chuyên môn tại các cửa khẩu Đắk Per (Đắk Mil), Bu Prăng (Tuy Đức) hỗ trợ thực hiện nhanh, gọn các thủ tục thông quan, không để xảy ra tình trạng ách tắc trong khâu giao, nhận hàng hóa.

Ngành chức năng tích cực phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cung cấp thông tin về tình hình thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông sản để doanh nghiệp, địa phương, người sản xuất có kế hoạch, định hướng phù hợp, giảm ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh.

Tuy nhiên, theo đánh giá, từ năm 2020 đến nay, nhiều loại nông sản của tỉnh tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Từ các sản phẩm chủ lực cà phê, hồ tiêu, hạt điều cho đến các loại trái cây tươi như bơ, sầu riêng, hạt mắc ca... đều có những tác động về giá cả theo chiều hướng đi xuống.

Điển hình như năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên giá bơ tiếp tục giảm mạnh. Theo nhiều tư thương, thị trường tiêu thụ sản phẩm bơ tươi của tỉnh chủ yếu là các nước như Campuchia, Lào, Thái Lan, Trung Quốc.

Nhưng hai năm nay, khi dịch bệnh bùng phát, các nước này hạn chế nhập bơ nên sản lượng chủ yếu tiêu thụ ở thị trường trong nước. Trong khi đó, các loại bơ của tỉnh chỉ tiêu thụ qua hình thức bán tươi, chưa qua chế biến, sơ chế, nên việc dôi dư vào thời kỳ chính vụ rồi rớt giá là điều tất yếu.

 

Theo ông  Ngô Quang Sáng, chủ trang trại bơ ở thôn 3, xã Quảng Sơn (Đắk Glong), khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, sản phẩm bơ của trang trại chủ yếu tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh. Bơ được tiêu thụ qua hệ thống các cửa hàng tiện lợi, với mức giá khá cao. Còn năm nay, do tiếp tục ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nên giá bơ các loại giảm mạnh, chỉ bằng khoảng 1/3 so với những năm trước.

 

Tiếp tục tổ chức lại sản xuất

Theo báo cáo của ngành chức năng, thực tế sản xuất nông sản trên địa bàn tỉnh vẫn chưa gắn với thị trường tiêu thụ cụ thể. Tình trạng "mạnh ai nấy làm" trong sản xuất nông nghiệp còn phổ biến. Người sản xuất chưa xác định được số lượng, chất lượng sản phẩm đối với từng thị trường để xây dựng kế hoạch cung ứng.

Sản phẩm bơ của tỉnh chịu nhiều ảnh hưởng do dịch Covid-19

Đối với các mặt hàng chủ lực phục vụ xuất khẩu như cà phê, hồ tiêu, điều, để tiếp cận được thị trường một cách lâu dài, đòi hỏi phải đáp ứng các tiêu chí khắt khe về an toàn, chất lượng, xuất xứ.  

Trong khi số sản phẩm nông sản của tỉnh đáp ứng các tiêu chí, chứng nhận quốc tế còn ít và bán được qua kênh chính ngạch chưa nhiều. Đó là chưa kể nông sản Đắk Nông vẫn còn bán ra quốc tế ở dạng thô, mức độ, hàm lượng qua khâu chế biến còn thấp, nên chưa gia tăng được giá trị, sức cạnh tranh.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT, từ những hạn chế trên, đòi hỏi phải tiếp tục tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng gắn với thị trường, bảo đảm các tiêu chí nông sản an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Để thực hiện được điều này, ngành Nông nghiệp tiếp tục đề xuất Trung ương chỉ đạo các ngân hàng thương mại hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể, hiệu quả hơn về tiếp cận vốn.

Việc thực hiện chính sách về tìm kiếm thị trường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu được coi là giải pháp chính nhằm giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống.

Ngoài thị trường quốc tế, việc thúc đẩy tiêu thụ trong nước, qua hệ thống các chợ, siêu thị, cửa hàng được đẩy mạnh nhằm giảm áp lực cho việc bảo quản nông sản, nhất là các thời điểm thu hoạch chính vụ.

Bài, ảnh: Hồng Thoan

Nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"
Bottom