Thí điểm xây dựng cánh đồng lớn cơ giới hóa trên lúa và cà phê

04/09/2020 10:40:51 GMT+7

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đến thăm và làm việc tại Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, huyện Hòn Đất, Kiên Giang. Ảnh: Trung Chánh.

Đó là các nội dung của hội nghị triển khai xây dựng mô hình “Hoàn thiện và mở rộng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với cơ giới hóa đồng bộ theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến xây dựng thương hiệu”, do Bộ NN-PTNT tổ chức tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, chiều 31/8.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam chủ trì hội nghị, với sự tham dự của Ban quản lý VnSAT Trung ương, Cục Kinh tế Hợp Tác, ngành nông nghiệp và Ban quản lý VnSAT các tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Long An.

Cơ giới hóa tất cả các khâu

Theo đó, các tổ chức nông dân/hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia mô hình sẽ được hỗ trợ các loại máy móc thiết bị, đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất và đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện.

Lúa gạo ĐBSCL và cà phê Tây Nguyên là những mặt hàng nông nghiệp lớn, quan trọng bậc nhất của Việt Nam. Đây cũng là những vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa trọng điểm, nơi khởi phát của các mô hình liên kết hình thành cánh đồng lớn.

Tuy nhiên, quy mô liên kết vẫn còn nhỏ lẻ, hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất đầu tư chưa đồng bộ, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất, chế biến, bảo quản còn thấp và không đồng đều giữa các khâu. Tính chất chuyên môn hóa trong sản xuất chưa cao, năng suất lao động vì thế còn thấp.

Ứng dụng máy bay phun thuốc tại Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An. Ảnh: Trung Chánh

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT (Bộ NN-PTNT), cho biết, mục tiêu là xây dựng được các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, gắn với cơ giới hóa đồng bộ theo chuỗi giá trị.

Từ sản xuất đến xây dựng thương hiệu đối với sản phẩm lúa, gạo và cà phê, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế và thu nhập cho nông dân, người sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Tiến đến hiện đại hóa ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại, gắn với tổ chức lại sản xuất hàng hóa nông sản theo chuỗi giá trị, quy mô lớn.

Theo đó, sẽ xây dựng được 6 mô hình sản xuất hàng hóa quy mô lớn đối với sản phẩm lúa gạo ở ĐBSCL và cà phê ở Tây Nguyên. Xây dựng các chuỗi giá trị lúa gạo, cà phê bền vững, đảm bảo 100% sản phẩm được sản xuất theo quy trình sản xuất chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và được doanh nghiệp liên kết cung ứng đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Ứng dụng máy bay phun thuốc tại Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An. Ảnh: Trung Chánh.

Đảm bảo tỷ lệ cơ giới hóa tối thiểu ở mỗi khâu của quy trình sản xuất là từ 80% trở lên và tất cả các khâu trong chuỗi giá trị từ làm giống đến gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản đều được cơ giới hóa. Lao động vận hành sử dụng máy móc, thiết bị phải qua đào tạo, có bảo hộ lao động phù hợp theo quy định, 100% người dân sản xuất lúa, cà phê trong mô hình được tập huấn về kỹ thuật sản xuất tiên tiến, bền vững.

Theo ông Thịnh, các máy móc thiết bị được đề xuất đối với lúa, gạo là máy làm đất, san phảng đồng ruộng bằng tia laser, máy tích hợp “3 trong 1” gieo cấy, vùi phân, phun thuốc, máy cuộng rơm, thiết bị số hóa điều khiển tự động nhằm quan trác mô trường và tưới tự động, dây chuyền sấy lúa, thiết bị thí nghiệm và nghiên cứu lai tạo giống lúa. Đầu tư hạ tầng như hệ thống thủy lợi, trạm bơm điện, giao thông nội đồng, lò sấy, kho chứa, nhà máy xay xát, chế biến gạo…

Đối với cà phê, là các máy làm đất, phun phân, thuốc, máy phân loại hạt cà phê (máy bắn màu), dây chuyền rang xay đóng gói cà phê, xe vận chuyển vật tư, sản phẩm cà phê. Hạ tầng đầu tư lò sấy, hệ thống chế biến cà phê (công nghệ chế biến ướt), nhà kính, kho chứa và bảo quản cho các hợp tác xã, cửa hàng giới thiệu sản phẩm.

Hơn 319 tỷ đồng thực hiện mô hình

TS Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, hiện nay tỉnh đã thực hiện liên kết tiêu thụ trong sản xuất lúa đạt từ 70-100 ngàn ha/năm. Tuy nhiên, mức độ cơ giới hóa trong các mô hình chưa cao, liên kết cũng chưa thật sự bền vừng. Về máy móc thiết bị, nên đầu tư máy gieo hạt theo bụi thực hiện sẽ hiệu quả hơn máy cấy, vì không không phải tốn mặt bằng và thời gian làm mạ.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam trao đổi với các đại biểu khi tham quan mô hình trước buổi hội nghị. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết, đơn vị đã đầu tư mô hình liên kết sản xuất tại Kiên Giang từ năm 2012 và đã làm với rất nhiều hợp tác xã ở các địa phương trong tỉnh. Riêng tại Hòn Đất, hiện đã thành lập được hợp tác xã có quy mô hơn 1 ngàn ha và hoàn toàn có khả năng mở rộng lên 4 ngàn ha. Tuy nhiên, diện tích này sản lượng làm ra vẫn chưa phải là nhiều so với nhu cầu nguyên liệu xuất khẩu của doanh nghiệp.

“Nếu được tham gia thí điểm thực hiện mô hình nông nghiệp quy mô lớn, cơ gới hóa đồng bộ, tạo liên kết chuỗi, chúng tôi tin rằng đây sẽ là mô hình điểm để nhân rộng ra các địa phương”, ông Bình tự tin nhấn mạnh.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam trao đổi với các đại biểu khi tham quan mô hình trước buổi hội nghị. Ảnh: Trung Chánh.

Đại diện Tập đoàn Lộc Trời, ông Huỳnh Văn Thòn đề xuất mô hình cần xem xét đầu tư theo chuỗi và đầu tư theo khâu. Nếu hợp tác xã đã có một phần trang thiết bị rồi thì thiếu khâu nào đầu tư khâu đó cho hoàn thiện. Nhưng cần phải cân đối phần đối ứng của hợp tác xã để họ đủ sức, cũng như năng lực quản trị và nhân lực vận hành các loại máy móc được đầu tư đồng bộ cho đạt hiệu quả.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam trao đổi với các đại biểu khi tham quan mô hình trước buổi hội nghị. Ảnh: Trung Chánh.
Dự kiến thời gian triển khai thực hiện thí điểm các mô hình từ năm 2020 đến 6/2022. Tổng kinh phí thực hiện là hơn 319 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn hộ trợ từ Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững - VnSAT là 292 tỷ đồng, còn lại vốn đối dứng của địa phương và các đơn vị tham gia. Riêng đối với các mô hình triển khai thực hiện trên cây lúa tại ĐBSCL gần 310 tỷ đồng. Sau khi kết thúc thời gian thí điểm, sẽ tổng kết và nhân rộng các mô hình.
 
Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, đây là mô hình thí điểm, đi trước để lấy kinh nghiệm làm cơ sở nhân rộng ra ở các địa phương. Vì vậy, UBND các tỉnh phải có văn bản đề xuất tham gia mô hình và quyết tâm thực hiện nhằm có kết quả. Về máy móc, thiết bị, sẽ xem xét đầu tư theo từng khâu, thiếu khâu nào bổ sung khâu đó để hoàn thiện. Đảm bảo khi triển khai mô hình 100% các khâu trong sản xuất phải được áp dụng cơ giới hóa cách đồng bộ, nhằm giảm sức lao động, nâng cao năng suất, tạo ra chuỗi giá trị.
Đ.T.CHÁNH

 

Nguồn: nongnghiep.vn
Bottom