Nỗi lo khi cà phê tăng giá

04/03/2024 08:10:39 GMT+7

Nỗi lo chất lượng hạt?

Ngay trong Tết Nguyên đán Giáp Thìn, anh Hải, chủ thương hiệu cà phê Đam San Buôn Ma Thuột (TP. Hồ Chí Minh) đã cất công “đi ngược” lên “thủ phủ” cà phê để xác định lại vùng nguyên liệu cung cấp cho đơn vị mình. Anh cho biết đã phải dời phần lớn vùng nguyên liệu về phía Kon Tum, nơi hoạt động sản xuất của nhiều trang trại thuần nhắm vào chất lượng hạt xuất khẩu hơn là theo đuổi giá trị thường. “Giá cả tăng đang đe dọa chất lượng hạt thu hoạch, không đảm bảo nguồn sản xuất an toàn cho chúng tôi”, anh Hải lo lắng.

Suy nghĩ của anh Hải cũng là vấn đề quan tâm của một số đơn vị thu mua, chế biến hạt và rang xay cà phê từ TP. Hồ Chí Minh. Các ý kiến đưa ra, là vùng chuyên canh ở Tây Nguyên, cụ thể tại Đắk Lắk phải đối diện nỗi lo chất lượng hạt nếu giá thị trường tiếp tục tăng, lượng cà phê nhân xuất bán nhiều lên.

Giám đốc tiêu thụ một đơn vị chế biến cà phê chia sẻ, lâu nay việc chuyên canh cà phê diện tích lớn gặp khó vì người nông dân ít có lợi nhuận do giá thấp. Song đổi lại, việc chăm sóc cây, và cam kết chỉ thu hoạch khi cà phê chín hẳn của người nông dân được tuân thủ. Thậm chí, để bán hạt giá cao, nhiều nông dân đã rất cố gắng đạt đúng yêu cầu thu hoạch, bảo quản cà phê theo yêu cầu, tiêu chuẩn mà các đơn vị kinh doanh chế biến đặt ra. Đến nay, khi tình hình biến đổi, giá thị trường tăng, để thu lợi trước mắt, người nông dân có thể chủ quan và vi phạm các yêu cầu tiêu chuẩn cần thiết.

Phổ biến nhất hiện nay là nông dân tranh bán cà phê vì sợ thị trường đổi giá. Cà phê đương vụ sẽ bị thu hoạch sớm hơn, công tác bảo quản, thực hành ủ hạt không được duy trì tốt, sẽ không đảm bảo chất lượng ra thị trường. Về dài lâu, những vụ sau, việc chăm sóc cà phê sẽ xuất hiện hiện tượng dùng thuốc kích thích tăng trưởng, ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng. Tất cả cảnh báo nguy cơ hạt cà phê sau thu hoạch sẽ không đạt đủ các tiêu chuẩn về tiêu dùng.

 

Một số cơ sở rang xay, chế biến cà phê nhìn nhận, hạt cà phê chưa chín tới tất nhiên sẽ không cho ra cà phê chất lượng tốt nhất. Hạt cà phê giảm chất lượng đồng nghĩa cà phê bột, cà phê chế biến tại các quán không còn ngon. Cần thấy rằng, thị trường tiêu thụ cà phê nội địa hiện nay đang hết sức phát triển, người tiêu dùng đòi hỏi chất lượng đi kèm ngày càng cao. Nếu chất lượng cà phê không ổn định và giảm sút, người tiêu dùng sẽ dần quay lưng và không ai muốn nhìn thấy viễn cảnh đó.

Cần sự hợp tác từ người nông dân

Đại diện kinh doanh công ty F., một đơn vị chế biến ngành hàng cà phê chất lượng cao tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, ngay trong tháng 12/2023 vừa qua, đơn vị này đã phải “mua ngược” hạt cà phê bên ngoài để sản xuất cà phê bột đúng tiêu chuẩn chất lượng công bố. Hiện Tây Nguyên đang vào vụ cà phê mới, doanh nghiệp sẽ theo dõi tình hình. Nếu vấn đề thu hoạch vẫn không đảm bảo chất lượng, doanh nghiệp sẽ lại tính bài nhập tiếp hạt cà phê bên ngoài để sản xuất.

Dài lâu về sau, nếu lựa chọn này lây lan ra các đơn vị khác, xu thế nhập mua cà phê hạt từ bên ngoài được xác lập ở các đơn vị chế biến và kinh doanh cà phê chuyên sâu, cà phê Tây Nguyên sẽ bị đe dọa đầu ra. Một khi thị trường tự do bên ngoài sau đó tự động tuột giá, nông dân chuyên canh cà phê ở Tây Nguyên sẽ ra sao?

Theo một cán bộ thuộc Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cần nhìn thấy tính bất ổn trong quan hệ sản xuất nông nghiệp lâu nay, loại nông sản nào lên giá, nông dân sẽ ồ ạt trồng theo. Thời gian qua, cà phê mất giá đã làm giảm diện tích tại Đắk Lắk, Tây Nguyên.

Nay người nông dân đang quay lại trồng cà phê, nhưng thời gian tới, nếu lại bất ổn quan hệ cung cầu, họ sẽ lại tìm kiếm loại nông sản khác. Tất cả sẽ khiến các hoạt động sản xuất chế biến chuyên sâu không ổn định, các doanh nghiệp không thể theo đuổi các dự án đầu tư trồng và phát triển chuỗi canh tác hạt cà phê chất lượng.

Không ít chủ quán cà phê đang đứng trước nỗi lo chất lượng ly cà phê đang biến đổi, và giá cả tăng. Kinh tế khó khăn đang tiếp tục đặt áp lực về lợi nhuận, thì vấn đề giá hạt tăng, trong khi chất lượng hạt sau chế biến bị đe dọa giảm, sẽ khiến các quán kinh doanh khốn đốn. Tất cả cảnh báo hiện trạng không mấy lạc quan cho ngành kinh doanh chế biến cà phê.

Thực trạng đáng lo lắng này đòi hỏi các cơ quan quản lý, các hiệp hội, tổ chức liên quan cần có những động thái tích cực, vừa có giải pháp hỗ trợ hoạt động, vừa nên vận động người nông dân tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp kinh doanh chế biến chuyên sâu. Để quan hệ hợp tác sản xuất được cải thiện, người nông dân đừng vội theo đuổi giá thị trường, nên đầu tư nghiêm túc vào chất lượng cây trồng và hạt cà phê thu hoạch. Như vậy, hoạt động sản xuất, kinh doanh ở thị trường cà phê mới đảm bảo được những kế hoạch bền vững về sau.

Nguyên Đức

Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

Liên kết website

Mở liên kết
Bottom