Đắk Nông có hơn 21.700 ha cây lâu năm cần chuyển đổi

26/04/2023 09:23:07 GMT+7

Diện tích này không mang lại hiệu quả kinh tế, cần chuyển đổi. Ngành chức năng cũng khuyến khích trồng cây ăn trái trên diện tích này.

Đắk Nông có nhiều mô hình trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế khá cao

Tạo nguồn thu nhập mới

Nhận thấy cây điều không còn phù hợp, năm 2017, ông Đoàn Văn Trường, xã Đắk Ru (Đắk R'lấp), bắt đầu chuyển đổi dần sang trồng sầu riêng.

Vụ vừa rồi, ông có 100 cây sầu riêng cho thu chính, thu được 15 tấn quả bán với giá 80.000 đồng/kg. Đến nay, ông đã chuyển đổi 7 ha điều sang trồng sầu riêng.

Ông Trường cho biết, ông đã tìm hiểu kỹ thuật canh tác sầu riêng để có hướng phát triển bền vững. Điều ông lo lắng nhất hiện nay là đầu ra cho sầu riêng…

Tương tự, năm 2016, thấy 4 ha cà phê của gia đình không mang lại hiệu quả, ông Nguyễn Văn Thông, xã Quảng Tân (Tuy Đức) chuyển đổi  toàn bộ sang trồng sầu riêng.

Trước khi chuyển đổi, ông đã đi học tập kinh nghiệm, tìm hiểu về kỹ thuật canh tác, khả năng thích nghi, hiệu quả kinh tế mà cây sầu riêng mang lại. Hiện nay, mỗi năm ông thu được khoảng 15 – 20 tấn sầu riêng/ha.

Ông Kiều Quí Diện, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Đức cho biết, sản xuất nông nghiệp chịu tác động lớn của tiểu vùng khí hậu.

Chính vì thế, đối với một số loại cây trồng không thích nghi với tiểu vùng khí hậu, ngành chức năng khuyến khích người dân chuyển đổi một cách phù hợp.

Đắk Nông đã có khoảng thời gian người dân ồ ạt mở rộng diện tích các loại cây trồng chủ lực như hồ tiêu, cà phê, điều.... Điều này khiến nhiều loại cây trồng vượt quy hoạch, tạo sức ép lớn về nhu cầu nước tưới, cây giống, thị trường tiêu thụ.

Khó khăn lớn nhất của cây ăn trái hiệu nay là đầu ra chưa ổn định

Lộ trình chuyển đổi

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên đã ký ban hành Phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu đến năm 2030.

Theo đó, Đắk Nông có hơn 21.700 ha cây lâu năm (cà phê, hồ tiêu, cao su, điều) cần chuyển đổi. Từ nay đến năm 2030, tỉnh sẽ chuyển đổi 6.252 ha cà phê sang trồng cây ăn trái.

Đối với 950 ha tiêu không phù hợp sẽ được tỉnh chuyển sang trồng ca cao, sầu riêng, mít; 291 ha điều được chuyển sang trồng sầu riêng, bơ, cam, quýt, bưởi…

Với 1.041 ha cao su không thích nghi, tỉnh cũng chuyển đổi sang trồng cây ăn trái. Các diện tích cây lâu năm không phù hợp còn lại, tỉnh chuyển đổi sau năm 2030. 

Phát triển chế biến và liên kết sản xuất sẽ góp phần kết nối đầu ra, ổn định sản xuất, tiêu thụ cây ăn trái

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông, việc chuyển đổi cây trồng được xem là một trong những giải pháp quan trọng để sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để việc chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả, ngành Nông nghiệp sẽ đồng hành với người dân. Việc chuyển đổi cây trồng sẽ được thực hiện một cách bài bản, khoa học, tuân thủ quy hoạch, không mang tính tự phát.

Ngành Nông nghiệp sẽ là cầu nối để tiêu thụ các loại cây trồng sau khi chuyển đổi, tạo liên kết bền vững, gắn sản xuất với tiêu thụ. Từ chuyển đổi cây trồng, tỉnh sẽ hình thành các vùng nguyên liệu đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu, làm cơ sở kêu gọi đầu tư vào sơ chế, chế biến... 

Ngành chức năng xác định, Đắk Nông có 21.725 ha cà phê, hồ tiêu, điều, cao su sản xuất ở những vùng không thích nghi với điều kiện tự nhiên, khí hậu cần chuyển đổi. Cụ thể, có 17.673 ha cà phê và hồ tiêu, 1.033 ha điều, 3.019 ha cao su.

Hưng Nguyên

Nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"
Bottom