Cần tháo gỡ vướng mắc cho các dự án nông nghiệp

03/05/2022 11:13:50 GMT+7

.... tạo điều kiện để nhà đầu tư tìm đến, triển khai các dự án, chương trình mang lại hiệu quả kinh tế cao.

♦ Ông Đoàn Anh Tùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chế biến thực phẩm và lâm nghiệp Đắk Lắk (thuộc Tập đoàn TH):

 Tạo quỹ đất “sạch” để thực hiện dự án

Qua hơn 5 năm hoạt động sau sắp xếp đổi mới tại Công ty TNHH Chế biến thực phẩm và Lâm nghiệp Đắk Lắk, Tập đoàn TH đã có nhiều nỗ lực triển khai các dự án đầu tư theo phương án đã được phê duyệt, nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện được bởi không có quỹ đất “sạch”, đất đai đã bị người dân xâm canh, lấn chiếm từ lâu. Điều này không những gây trở ngại cho việc triển khai dự án mà còn gây khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ lâm phần doanh nghiệp được giao. Ngoài ra, quy định hiện hành không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với đất lâm nghiệp không còn rừng từ lâu và được ghi nhận trạng thái đất nông nghiệp theo hiện trạng đang là vấn đề khó khăn, thách thức cho doanh nghiệp khi triển khai dự án nông lâm kết hợp mà chỉ được sử dụng tối đa 30% diện tích cho sản xuất nông nghiệp, 70% diện tích còn lại phải trồng rừng.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Tập đoàn TH đề xuất Nhà nước tiến hành đánh giá lại tổng thể thực trạng đất đai có nguồn gốc từ các lâm trường trước đây, từ đó ban hành cơ chế, chính sách phát triển rừng, phát triển nông lâm kết hợp và quản lý sử dụng hiệu quả đất rừng tại huyện Ea Súp phù hợp, có tính đặc thù, đại diện cho vùng đất Tây Nguyên. Cụ thể, đối với đất rừng khộp sản xuất nghèo, nghèo kiệt đã bị mất rừng, không có khả năng phục hồi cần lập các dự án cải tạo, trồng rừng vành đai bằng các loài cây lâm nghiệp, cây ăn quả có tính chất lâm nghiệp hiệu quả hơn và phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.

Đối với lực lượng bảo vệ rừng tại doanh nghiệp chủ rừng, Nhà nước cần có cơ chế đặc thù. Để chấm dứt tình trạng đất đai bị người dân xâm canh, lấn chiếm, chính quyền cần vào cuộc tiến hành thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và bàn giao đất “sạch” cho doanh nghiệp có điều kiện thực hiện các dự án. Đồng thời, có biện pháp xử lý mạnh mẽ, dứt điểm đối với các đối tượng không có nhu cầu sử dụng đất sản xuất nhưng có hành vi phá rừng, chiếm đất, mua bán đất đai trái pháp luật.

Các đại biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk năm 2022 tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của tỉnh

♦ Bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Công ty Chánh Thu):

Quan tâm triển khai Đề án phát triển thương hiệu quốc gia cho sầu riêng

Đối với Đắk Lắk, ngoài tiềm năng lợi thế về vị trí địa lý, thổ nhưỡng phù hợp với các sản phẩm sầu riêng. Khí hậu cũng là yếu tố giúp Đắk Lắk có mùa vụ thu hoạch hoàn toàn khác với các tỉnh thành khác, đặc biệt là các nước xuất khẩu sầu riêng có vị thế cạnh tranh cao như Malaysia, Thái Lan.

Để phát huy được hết tiềm năng và lợi thế sẵn có của Đắk Lắk, Công ty Chánh Thu đã mạnh dạn đầu tư dự án nhà máy chế biến trái cây tại Đắk Lắk với quy mô khoảng 10 ha, giai đoạn 1 tập trung vào chế biến đông lạnh, sản xuất phân bón hữu cơ; giai đoạn 2 tập trung vào các sản phẩm chế biến sâu các loại bánh, kem...

Thời gian tới, tôi mong muốn tỉnh quan tâm triển khai xây dựng Đề án phát triển thương hiệu quốc gia cho sầu riêng Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng. Riêng đối với các dự án do Công ty Chánh Thu đã và đang triển khai, tôi mong muốn tỉnh hỗ trợ tạo quỹ đất để doanh nghiệp hoàn thiện được chuỗi cung ứng bao gồm 50 – 100 ha diện tích đất phục vụ mô hình vùng trồng mẫu “sầu riêng công nghệ cao” và mở rộng thêm từ 10 - 20 ha để đảm bảo đủ diện tích đầu tư cho giai đoạn 2 dự án nhà máy chế biến trái cây.

♦ GS. Nguyễn Lân Hùng, Tổng Thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam:

Chú trọng hơn nữa để phát triển nông nghiệp Đắk Lắk tương xứng với tiềm năng

Tiềm năng để phát triển lĩnh vực nông nghiệp của Đắk Lắk rất to lớn về cây công nghiệp, cây ăn quả, tuy nhiên sự phát triển chưa tương xứng, chưa được như kỳ vọng. Chẳng hạn như cây mắc ca, lúc đầu chúng tôi hy vọng Đắk Lắk sẽ là tỉnh đi đầu trong phát triển cây mắc ca trên phạm vi cả nước. Thế nhưng hiện nay Lâm Đồng, Kon Tum, Gia Lai vượt lên, cây mắc ca bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao, mang lại thu nhập ổn định cho bà con nông dân. Tại các tỉnh phía Bắc như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đã trồng được 20.000 ha mắc ca – vượt xa các tỉnh Tây Nguyên. Hy vọng thời gian tới, Đắk Lắk sớm vươn lên để tiếp tục đi đầu trong phong trào trồng mắc ca. Về cây ăn quả Đắk Lắk nổi tiếng với cây bơ, ở đâu cũng có thể trồng được bơ và cho năng suất cao, chỉ có điều kiện bảo quản bơ còn yếu kém. Làm sao để bơ phát triển mạnh ở Đắk Lắk, nhất là khâu bảo quản loại quả này, mong chờ các nhà khoa học, các doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm. Hiện nay tôi được biết, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Mười Bơ đã hợp tác với một công ty nước ngoài để xây dựng nhà máy chế biến dầu bơ, đề nghị tỉnh Đắk Lắk tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để doanh nghiệp triển khai thực hiện.

Cùng với đó, tỉnh Đắk Lắk cần chú trọng hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp. Chính phủ, các bộ, ngành cần quan tâm nhiều hơn để Đắk Lắk vươn lên xứng đáng ở vị trí hàng đầu của Tây Nguyên.

Minh Hoàng

Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”
Bottom