Nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất

14/09/2021 11:00:09 GMT+7

Sau khi đi học hỏi kinh nghiệm tại một số tỉnh miền Tây, nắm bắt được kỹ thuật trồng dưa lưới công nghệ cao trong nhà màng, nhà kính của Nhật Bản, 4 hộ gia đình trên địa bàn thị trấn đã phối hợp, lập ra nhóm trồng dưa lưới công nghệ cao và bắt đầu thử nghiệm trồng vào cuối năm 2020.

Chị Hoàng Thị Tình (tổ dân phố 3, thị trấn Phước An), một thành viên của nhóm chia sẻ, gia đình chị làm nhà màng trên diện tích 500 m2 đất, bên trong thiết kế lối đi thông thoáng, lắp đặt hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt tự động và hệ thống đo nhiệt, đo độ ẩm… với tổng chi phí đầu tư khoảng 200 triệu đồng. Giống dưa được chọn trồng là dưa lưới Hoàng Gia, thời gian thu hoạch khoảng 70 ngày, có thể trồng 3 vụ/năm. Với 500 m2 trồng 1.000 cây, mỗi cây nuôi 1 trái, cân nặng khi xuất bán từ 1 – 2,5 kg/trái, giá thị trường khoảng trên 100.000 đồng/kg, qua 1 năm thực hiện đã mang lại hiệu quả rõ rệt, lượng trái thu hoạch mỗi vụ xuất ra đủ phục vụ cho bán lẻ.

Chị Hoàng Thị Tình chăm sóc vườn dưa lưới công nghệ cao của gia đình

Cũng như chị Tình, các thành viên trong nhóm đều thu được kết quả tích cực khi thực hiện mô hình. Để có được kết quả đó, một phần là nhờ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, quy trình canh tác trong nhà màng chủ động gần như hoàn toàn về thời tiết, khí hậu, phòng ngừa sâu bệnh hại, chất lượng sản phẩm đồng đều, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây là cơ sở để nhóm đặt ra mục tiêu tiếp tục mở rộng diện tích trồng trong thời gian tới.

Ông Y Niêm Êban, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Pắc cho hay, trong thời gian tới Hội có kế hoạch hướng dẫn các hộ thành lập tổ hợp tác trồng dưa lưới, tạo điều kiện để người dân có thể tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ kỹ thuật và phát triển sản xuất, đảm bảo chất lượng để tìm đầu ra cho sản phẩm thông qua các kênh bán hàng như siêu thị, xuất ra ngoài tỉnh…

Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế cho ông Đinh Ngọc Quế (tổ dân phố 1, thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng) ngay từ những năm đầu tiên.

Gia đình ông Quế có 8 sào đất, trồng xen sầu riêng, đinh lăng và bơ. Sau khi tham gia các lớp tập huấn về việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, năm 2020 ông Quế quyết định lắp hệ thống tưới nước tiết kiệm. Trước đây, ông tưới bằng ống theo phương pháp tưới dí, mất khá nhiều thời gian và hao phí nước, vào mùa khô chỉ đủ nước tưới khoảng 3 đợt. Năm vừa qua ứng dụng tưới tiết kiệm vào sản xuất, mặc dù nắng nóng kéo dài làm nhiều diện tích cây trồng trên địa bàn huyện bị hạn, nhưng vườn cây của gia đình ông vẫn đảm bảo nước tưới và phát triển tốt.

Ông Đinh Ngọc Quế (bên phải) được kỹ thuật viên hướng dẫn dùng hệ thống tưới tiết kiệm

Theo ông Quế, với hệ thống tưới tiết kiệm phun mưa tại gốc, chỉ cần bật máy bơm là tự động tưới, phân bón cũng được đưa qua hệ thống giúp giảm chi phí nhân công. Ngoài ra, hệ thống này còn giúp hạn chế sự phát triển của cỏ dại quanh gốc cây và sâu bệnh hại. Cũng nhờ có nguồn tưới tiêu và phân bón hợp lý cùng kỹ thuật chăm sóc, sầu riêng nhà ông Quế có năng suất, chất lượng cao… Với 80 cây sầu riêng, năm vừa qua cho thu 5 tấn quả, thương lái vào tận nhà để thu mua, sau khi trừ chi phí còn có lãi trên 150 triệu đồng.

Có thể thấy, kết quả đạt được từ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là tiền đề để người dân nhân rộng mô hình, gắn với liên kết chuỗi giá trị tạo nên thế mạnh giúp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ngày càng phát triển và thành công.

Mai Sao

Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

Liên kết website

Mở liên kết
Bottom