Sáng tạo né hạn của người dân trồng sầu riêng được Thủ tướng khen ngợi

26/09/2020 09:03:37 GMT+7

Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có trên 14.500 ha cây sầu riêng, tập trung chủ yếu tại huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy. Cai Lậy mệnh danh là thủ phủ sầu riêng của tỉnh Tiền Giang, diện tích cây ăn trái đặc sản này chiếm trên 10.500 ha.

Đợt hạn mặn lịch sử vừa qua, xâm nhập mặn tại huyện Cai Lậy rất sâu, cây sầu riêng bị thiệt bị nhiều nhất. Sau hặn mặn, diện tích cây sầu riêng không thể hồi phục, chết trên 3.546 ha.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng lãnh đạo tỉnh Tiền Giang kiểm tra tình hình hạn mặn trên cây sầu riêng. Ảnh: Minh Đảm

Hiện nay, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn diễn ra gay gắt, để hỗ trợ địa phương  phục hồi cây sầu riêng, ông Nguyễn Văn Bằng, Bí thư Huyện uỷ Cai Lậy, kiến nghị cấp trên hỗ trợ để người dân vùng Cai Lậy ngăn chặn nước mặn xâm nhập thời gian tới.

Hỗ trợ nguồn lực để nạo vét kênh rạch, tăng lượng nước dự trữ vào mùa khô. Hỗ trợ 3.546 ha cây sầu riêng bị thiệt hại để người dân có thể khôi phục sản xuất. Hiện nay, hỗ trợ do thiên tai là 4 triệu đồng/ha, người dân không đủ chi phí khôi phục lại vườn sầu riêng.

Bên cạnh đó, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân tạo ra sản phẩm sầu riêng chất lượng cao. Cuối cùng hỗ trợ địa phương mời gọi đầu tư chế biến sâu, đa dạng hoá sản phẩm trên sầu riêng.

ĐBSCL cũng như Việt Nam chịu sự tác động của biến đổi khí hậu rất lớn. Cụ thể là nước biển dâng nên nước ngọt ít đi, nước mặn ngày càng cao. Nước biển dâng ảnh hưởng đến trồng trọt nói chung, trong đó có cây sầu riêng.

Sau khi khảo sát thực tế vườn sầu riêng vừa mới phục hồi sau hạn mặn của hộ dân, Thủ tướng Chính phủ thấu hiểu những khó khăn mà bà con đang gặp phải, đồng thời chuyển lời thăm hỏi, chia sẻ đến bà con trồng sầu riêng của tỉnh Tiền Giang.

Nông dân xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy chia sẻ với Thủ tướng về kỹ thuật canh tác nghịch vụ, ảnh hưởng của hạn mặn trên cây sầu riêng. Ảnh: Minh Đảm

Thủ tướng đánh giá cao sự sáng tạo của bà con nông dân trồng sầu riêng vùng Cai Lậy đã thực hiện kỹ thuật canh tác nghịch vụ, mang lại giá trị cao. Nhất là thực hiện trái vụ nhiều vườn cây đã né được nước mặn.

Từ đó, Thủ tướng yêu cầu các ngành chức năng địa phương chuyển giao, phổ cập kỹ thuật này để rải vụ, nhất là cho các vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn.

Từ kiến nghị của người dân về ngăn mặn, Thủ tướng cho rằng cần có một chương trình quốc gia về ngăn mặn, không cho nước mặn xâm nhập sâu để giảm thiểu ảnh hưởng của xâm nhập mặn.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng việc tích nước là rất quan trọng để thực hiện mùa vụ mới. Nếu ngăn các kênh rạch để tích nước thì có thể vượt qua được nhiều tháng trong mùa khô hạn, mặn.

Thủ tướng tặng quà, chia sẻ với một số hộ dân bị ảnh hưởng của hạn mặn. Ảnh: Minh Đảm

Đối với các vấn đề chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ người dân có sầu riêng bị thiệt hại, Thủ tướng giao Bộ NN-PTNT nghiên cứu chính sách, đề xuất hỗ trợ cho bà con có đủ điều kiện cần thiết để chủ động khôi phục cây ăn trái.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần có sự đa dạng các loại cây trồng để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, Tiền Giang là tỉnh có diện tích cây ăn quả lớn nhất ĐBSCL, trên 75.000ha. Huyện Cai Lậy là huyện đặc biệt có diện tích sầu riêng lớn. Trong 10 cây ăn quả tại ĐBSCL thì cây sầu riêng là cây có hiệu quả nhất. Do hạn mặn kéo dài nên cây sầu riêng kiệt quệ, chịu ảnh hưởng nặng nề.

Về tổng thể cho ĐBSCL thì Thủ tướng đã chỉ đạo bằng Nghị quyết 120, ngành Nông nghiệp đang cùng với các ngành đang rà soát lại. Thời gian qua đã đầu tư được một số công trình chống hạn, mặn. Tới đây sẽ tiếp tục đầu tư những công trình để kiểm soát mặn ngọt theo hướng hạn cũng có thể thích ứng được.

Riêng tại Tiền Giang, đặc biệt tại vùng Cai Lậy sẽ được quy hoạch, xây dựng thành một vùng đặc sản sầu riêng của Việt Nam, có đăng ký thương hiệu, làm theo quy trình kỹ thuật, sản xuất hữu cơ, chế biến...

MINH ĐẢM

Nguồn: nongnghiep.vn
Bottom