Thận trọng với giống cây mới

30/08/2023 08:31:58 GMT+7

Thời gian gần đây, người dân TP Cần Thơ xôn xao với việc ông Nguyễn Hữu Khang - ngụ phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt - lai tạo thành công giống mít có hương vị sầu riêng rất lạ.

Từ "mít sầu riêng" đến "nhãn siêu trái"

Ông Khang cho biết cách đây vài năm, khi sang Đài Loan - Trung Quốc làm việc, ông đã ăn thử "mít sầu riêng". Loại trái này hình dạng giống mít tố nữ nhưng lại có hương vị sầu riêng, múi không nhão. Thấy lạ, ông đã mua cây giống, sau đó cắt nhánh đem về Việt Nam.

Năm 2021, ông Khang lấy nhánh "mít sầu riêng" ghép với một số gốc mít khác rồi trồng thử nghiệm tại vườn nhà và một số vườn lân cận. Khoảng 18 tháng sau, những cây mít ghép này ra trái. Bình quân mỗi cây khoảng 20 trái, mỗi trái nặng 2,5 - 3 kg.

Đến nay, ông Khang sở hữu 400 gốc "mít sầu riêng" với 3 loại khác nhau, gồm: ruột hồng, ruột kem và ruột vàng. Trong đó, mít ruột vàng là loại có chất lượng vượt trội với múi dày - rất giống sầu riêng, hạt nhỏ. Do sản lượng ít nên giá bán loại mít này khá cao, đến 80.000 đồng/kg.

Ông Khang còn bán cây giống "mít sầu riêng" tại vườn với giá 200.000 đồng/cây. Hiện nay, vì đã có đầu mối thu mua loại mít này nên ông dự định nhân rộng cho nhiều người dân xung quanh trồng và bao tiêu sản phẩm.

Thận trọng với giống cây mới - Ảnh 1.

“Mít sầu riêng” do ông Nguyễn Hữu Khang lai tạo có giá bán lên đến 80.000 đồng/kg

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Phúc - ngụ xã Chánh An, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long - đã lai tạo thành công giống "nhãn siêu trái" và đang được nhiều công ty, chủ vựa trái cây đặt mua. Theo ông Phúc, cách đây vài năm, một người cháu tặng ông giống nhãn của Mỹ. Ăn thấy ngon, ông lấy hạt gieo nhưng khi cây lớn lại không cho trái. Ông bèn đem ghép giống nhãn này với nhiều loại nhãn đang trồng trong vườn.

"Kết quả, giống nhãn của Mỹ ghép với nhãn Ido cổ cho trái rất ngon và sai. Mỗi chùm trái nặng khoảng 3-6 kg, mỗi ký khoảng 55-60 trái. Giống nhãn mới ghép này cho tỉ lệ trái đồng đều, cơm dày, vị ngọt thanh nhưng rất nhẹ công chăm sóc, chi phí giảm 50% so với nhãn Ido, lại hạn chế bệnh chổi rồng" - ông Phúc so sánh.

Trong vườn nhà ông Phúc đang trồng 600 cây "nhãn siêu trái". Vừa qua, khi 13 cây ra trái, ông thu hoạch khoảng 1,2 tấn, được một công ty và chủ vựa trái cây thu mua với giá 80.000-100.000 đồng/kg - gấp 3-4 lần so với các loại nhãn khác. Mỗi tháng, ông còn bán ra thị trường 100-200 cây giống với giá 300.000 đồng/cây.

Thận trọng với giống cây mới - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Phúc lai tạo giống “nhãn siêu trái” được thị trường ưa chuộng

Phải theo dõi vài năm

Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP Cần Thơ, về việc ông Khang lai tạo được giống mít mới, sở chỉ biết thông tin qua báo chí. Sở NN-PTNT TP Cần Thơ chưa khảo sát thực tế để xem giống mít này như thế nào.

"Ngành NN-PTNT hoan nghênh việc nông dân lai tạo ra giống mới, góp phần làm phong phú cho cây ăn trái của địa phương. Tuy nhiên, đối với giống cây ăn trái thì theo quy định, nếu cây đã cho trái ổn định cũng phải theo dõi vài năm để đánh giá chất lượng, năng suất, khi nào đạt mới công nhận là cây đầu dòng, sau đó mới được nhân giống" - ông Nghiêm băn khoăn.

Cụ thể, phải mất 4-5 năm mới đủ cơ sở công nhận để nhân giống đối với mít, 8 năm trở lên đối với sầu riêng... Ông Nghiêm giải thích: "Đối với giống cây mới như "mít sầu riêng", cần phải khảo sát đặc tính thích nghi như thế nào mới nhân rộng. Bởi lẽ, nhiều khi giống này chỉ thích hợp ở Tân Lộc, còn trồng tại nơi khác thì không phát triển".

Lãnh đạo Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cũng lưu ý nông dân không nên ồ ạt mua cây giống có đặc tính mới lạ về trồng như cây chủ lực với quy mô lớn, mà nên chờ cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá. "Nhưng nếu mua vài cây về trồng và chính người dân tự khảo nghiệm, đánh giá thì được" - ông Nghiêm nhận xét.

Trong khi đó, TS Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI), cho biết đã cử người đến gặp ông Nguyễn Hữu Khang để khảo sát giống "mít sầu riêng" nhằm có đánh giá, báo cáo cụ thể. Hiện vườn mít của nông dân này đã hết trái trưởng thành nên phải chờ một thời gian nữa.

"Cơ quan chuyên môn nghiên cứu rất thận trọng. Việc lai tạo giống mới không phải dễ, như cây thanh long phải mất khoảng 10 năm sau khi có đánh giá của cơ quan chuyên môn. Theo Luật Trồng trọt, giống mới trước khi trồng phải được khảo nghiệm, công bố dữ liệu cụ thể. Nếu không phải cây trồng chính thì người lai tạo phải tự làm hồ sơ, gồm: công bố lưu hành giống, đặc tính giống…, để Cục Trồng trọt - Bộ NN-PTNT thẩm định, sau đó cho phép đưa lên mạng xem có ý kiến gì không rồi mới công nhận giống. Khi đó, người lai tạo mới có thể nhân giống, bán rộng rãi được" - TS Võ Hữu Thoại phân tích

Đừng để phải "giải cứu"!

Vài năm trở lại đây, nhiều giống cây ăn trái có đặc tính mới lạ đã xuất hiện ở ĐBSCL như: xoài Đài Loan, vú sữa Hoàng Kim... Những loại trái cây này khi mới xuất hiện trên thị trường có giá bán cao vì ít người trồng. Tuy nhiên, mấy năm nay, những loại trái này không còn "sốt" như trước, thậm chí, nhiều người trồng xoài Đài Loan phải đốn bỏ cả vườn vì giá bán thấp.

Vì vậy, ngành NN-PTNT khuyến cáo người dân cần cân nhắc khi trồng các giống cây ăn trái mới, xem có được bao tiêu không, thị trường tiêu thụ thế nào... Nếu không thì khi trồng ồ ạt, sản phẩm lại rơi vào cảnh dội chợ hay phải trông chờ "giải cứu".

Bài và ảnh: CA LINH

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

Liên kết website

Mở liên kết
Bottom