Các doanh nghiệp có nguy cơ mất trắng 5 lô hàng xuất khẩu sang Dubai

26/07/2023 08:33:39 GMT+7

Ngày 24-7, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) có thông tin về vụ việc 4 doanh nghiệp hội viên có nguy cơ mất hàng tại Dubai thuộc Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UEA) khi giao dịch với cùng 1 đối tác.

Trước đó, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đã có thông tin ban đầu về vụ việc do có 1 doanh nghiệp xuất khẩu là hội viên của 2 Hiệp hội.

Theo đó, đã có 5 container hàng gồm: hồ tiêu (2 lô), hạt điều, quế, hoa hồi trị giá 516.761 USD của 4 doanh nghiệp, xuất khẩu cho bên mua là Công ty Bab Al Rehab Foodstuff Trading LLC (Dubai) – ngân hàng thu hộ bên mua là Ajman Bank PJSC.

Hiện tại, 4 lô hàng đã bị lấy ra khỏi cảng mà chưa thanh toán tiền, trị giá khoảng 400.000 USD, còn lại 1 lô hàng hoa hồi dự kiến cập cảng ngày 26-7 trị giá 126.300 USD và bộ chứng từ gốc cũng bị mất. Do hình thức thanh toán là D/P (trả tiền để được nhận chứng từ) nên bộ chứng từ gốc bị mất khi chưa thanh toán tiền hàng dẫn đến nguy cơ lô hàng thứ 5 cũng có thể bị lấy mất như 4 lô trước.

Các doanh nghiệp có nguy cơ mất trắng 5 lô hàng xuất khẩu sang Dubai  - Ảnh 2.

Trong vụ lừa đảo có 2 lô hạt tiêu có nguy cơ mất trắng

Trong vụ việc trên, các ngân hàng Việt Nam của bên bán dùng dịch vụ DHL chuyển phát bộ chứng từ gốc tới ngân hàng Ajman Bank và nhân viên ngân hàng Ajman Bank đã xác nhận ký nhận thành công 5 bộ chứng từ. Tuy nhiên, sau đó không rõ vì lý do gì các bộ chứng từ gốc không còn lưu tại ngân hàng Ajman nên các ngân hàng Việt Nam đã liên tục yêu cầu ngân hàng Ajman thanh toán.

Nhận thấy sự trì hoãn từ phía cả ngân hàng và người mua nên các công ty xuất khẩu đã kiểm tra trên hệ thống hãng tàu thì phát hiện cả 4 container hàng đều đã biến mất khỏi cảng.

Khi phát hiện vụ việc hàng đã được lấy ra khỏi cảng, người mua không liên hệ được và nay công ty cũng đã đóng cửa tại trụ sở đăng ký. Vì vậy, các công ty xuất khẩu đã yêu cầu ngân hàng Việt Nam điện đòi ngân hàng Ajman trả lại bộ chứng từ gốc và liên tục có điện truy vấn, kể cả qua các hình thức khác là email và điện thoại trực tiếp. Tuy nhiên, đến nay ngân hàng này vẫn chưa trả lời và chỉ thông báo là đã chuyển thông tin về trụ sở chính để giải quyết.

Theo đánh giá của VPA, vụ việc có tính chất lừa đảo rất tinh vi, nghiêm trọng, có sự liên đới trách nhiệm của cùng một người mua với cùng một ngân hàng xung quanh nghiệp vụ nhờ thu D/P. Do đó, VPA mong muốn các cơ quan chức năng liên quan hỗ trợ để các doanh nghiệp lấy lại lô hàng đã bị cướp mất để hạn chế tổn thất. Quan trọng hơn là để ngăn chặn các vụ việc tương tự có thể tiếp tục xảy ra với các doanh nghiệp xuất khẩu giữa bối cảnh khó khăn như hiện nay.

Tin- ảnh: Ngọc Ánh

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

Liên kết website

Mở liên kết
Bottom