Cần một 'dây cương' cho hồ tiêu Việt Nam

12/04/2017 08:30:26 GMT+7

Tính đến cuối 2016, Việt Nam đã trở thành một cường quốc về hồ tiêu thế giới với lượng XK 177 nghìn tấn, chiếm 58% tổng sản lượng hồ tiêu XK toàn cầu. Mặc dù vậy...

Mặc dù vậy, SX hồ tiêu của Việt Nam đang như một “con ngựa bất kham”, không ai quản nổi về nguồn giống cũng như chất lượng sản phẩm, quy trình SX…  

Trồng tiêu như khoai lang!

Bà Nguyễn Mai Oanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam than rằng: Với sản lượng hồ tiêu XK chiếm gần 60% thế giới, Việt Nam luôn được các thành viên trong Hiệp hội Hồ tiêu Thế giới (IPC) nể trọng xem là “anh cả”.

17-04-41_09-13-44_1

Hồ tiêu là ngành thiếu liên kết nhất trong các ngành hàng nông sản XK chủ lực hiện nay

Tiếng nói của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam tại IPC vì thế luôn rất nặng ký. Ấy thế nhưng tại nhiều hội nghị của IPC, điều xấu hổ nhất là khi các chuyên gia thành viên IPC hỏi rằng những giống hồ tiêu chủ lực của Việt Nam hiện nay là gì, thì phái đoàn của Việt Nam chẳng ai trả lời được.

Bởi mặc dù Việt Nam hiện nay có sơ bộ khoảng 5-6 giống hồ tiêu, nhưng toàn tên gọi địa phương, chứ không có tên La - tinh. Bởi chẳng ai biết gốc gác của các giống này từ đâu ra.

“Chúng tôi đem câu hỏi đó tới Trung tâm Nghiên cứu Phát triển hồ tiêu tại Gia Lai thì được biết hiện vẫn đang trong quá trình phân tích nguồn gen để xác định tên La - tinh của một số giống. Nếu cứ theo trình tự khảo nghiệm, công nhận giống hiện nay thì không biết đến bao giờ, chúng ta mới có thể có giống chính thức để đưa vào SX”, bà Oanh sốt ruột.

Theo bà Oanh, trong tất cả các nước có SX hồ tiêu lớn hiện nay như Ấn Độ, Indonesia, Malaisia… thì chỉ có Việt Nam hiện nay là chưa có giống tiêu chính thức. Do đặc thù dễ nhiễm bệnh nên các nước SX hồ tiêu lớn Ấn Độ, Indonesia, Malaysia… đều đã có bộ giống hồ tiêu được quản lí rất chặt chẽ về chất lượng, thậm chí họ đã chọn tạo ra nhiều giống có khả năng chống chịu với dịch bệnh, năng suất chất lượng rất tốt.

Chính hiệp hội hồ tiêu các nước thành viên IPC cũng đã khuyên Việt Nam cần phải sớm quản lí về giống, bởi tình hình SX hồ tiêu như Việt Nam đang hổ lốn không khác gì Ấn Độ cách đây 50 năm hoặc 20-30 năm ở Indonesia.

Tại cuộc làm việc với Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam ngày 11/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết: Mặc dù thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã có nhiều nỗ lực, nhất là thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hồ tiêu Tây Nguyên, đã bước đầu chọn được một số giống tiêu tốt, sạch bệnh. Tuy nhiên về cơ bản, SX hồ tiêu hiện nay vẫn chẳng khác gì trồng khoai lang! Nghĩa là ai thích trồng thì mua hom về dắt xuống đất, chẳng cần biết nguồn gốc giống thế nào.

Ông Doanh yêu cầu dù muộn còn hơn không, thời gian tới Cục Trồng trọt chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan bằng mọi giá phải cho ra được bộ giống hồ tiêu quốc gia. Đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam thì cho rằng, tình hình giống tiêu tại Việt Nam hiện nay đã trở thành vấn đề rất nghiêm trọng. Với vai trò là thành viên của IPC, Việt Nam nên sớm thông qua con đường chính thức trao đổi một số giống hồ tiêu của các nước bạn để nhanh chóng có nguồn giống chất lượng đưa vào SX.  

Sẽ thí điểm cấp chứng nhận vùng trồng

Cùng với vấn đề giống, bà Nguyễn Mai Oanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam lo lắng cho rằng, ngành hồ tiêu Việt Nam hiện đang ở tình thế cực kỳ nguy cấp, nhất là vấn đề canh tác và kiểm soát dư lượng thuốc BVTV. Đây là hệ lụy của tình trạng phát triển hồ tiêu bung bét trong vòng 10-15 năm trở lại đây.

17-04-41_tieu1

Ảnh: Lê Bền

Hiện nay, một số vùng hồ tiêu trọng điểm tại Gia Lai như Chư Sê, Chư Pưh đất đã bị thoái hóa nghiêm trọng, gần như không thể trồng lại hồ tiêu được nữa do đất bị nhiễm độc nặng, nhất là tồn dư kim loại nặng khiến đất chai sạn, vi sinh vật trong đất suy giảm, độ pH đa số chỉ còn 3 đến 3,5. Hồ tiêu càng bị bệnh, người dân càng sử dụng nhiều thuốc BVTV và nguy cơ nhiễm dư lượng thuốc BVTV đối với hồ tiêu XK càng cao.

Do nhiều thị trường XK “khát” hồ tiêu, nhất là thị trường Trung Đông nên gần như hồ tiêu Việt Nam XK chưa phải chịu nhiều sự kiểm soát về dư lượng hóa chất. Đó là lợi thế về ngắn hạn để tăng sản lượng XK, tuy nhiên lại là mối nguy dài hạn.

Ngay từ đầu năm 2017, việc XK hồ tiêu sang EU và Ấn Độ đã vấp phải nguy cơ bị đình chỉ XK do dính dư lượng Metalaxyl. Nếu không có sự vào cuộc tháo gỡ kịp thời của Bộ NN-PTNT để XK trở lại ở hai thị trường này thì nhiều khả năng 30% tổng sản lượng hồ tiêu Việt Nam XK sẽ bị tụt giảm trong năm 2017.

Ông Vũ Văn Minh, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT) cảnh báo: Xu hướng tăng cường kiểm soát đối với nông sản nói chung cũng như hồ tiêu nói riêng sẽ ngày càng khốc liệt. Mới đây, Hàn Quốc đã thông báo sẽ không NK đối với các loại nông sản NK vào nước này nếu có dư lượng thuốc BVTV mà phía Hàn Quốc không cho phép sử dụng, trong đó có cả hồ tiêu.

Trong hoàn cảnh hàng rào về chất lượng ngày càng thắt chặt, việc SX hồ tiêu một cách vô tổ chức như hiện nay đang là một thách thức vô cùng lớn. Có thể nói trong tất cả các ngành hàng nông sản XK trên 1 tỉ USD/năm của Việt Nam, hồ tiêu đang là ngành hàng mà liên kết SX rời rạc nhất khi gần như 100% sản lượng đều do nông hộ mạnh ai nấy làm, mỗi nhà một kiểu.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, hiện chỉ có khoảng 2.000 ha hồ tiêu (trong tổng số hơn 130 nghìn ha cả nước) được SX theo quy trình chuẩn, có kiểm soát dư lượng hóa chất. Còn lại là do nông hộ, không được tổ chức liên kết SX và kiểm soát dư lượng. Trong khi đó, các DN xuất khẩu hồ tiêu dù rất muốn có hồ tiêu sạch để XK nhưng xem ra lực bất tòng tâm.

Theo bà Nguyễn Mai Oanh, kinh nghiệm của các nước SX hồ tiêu lớn cho thấy các vùng hồ tiêu đều phải cấp chứng nhận vùng trồng để các nhà NK truy xuất nguồn gốc. Hiện các nhà NK hồ tiêu của Việt Nam sẵn sàng trả tăng giá từ 20-30%, thậm chí tới 50% nếu như hồ tiêu có hồ sơ truy xuất nguồn gốc, xuất xứ vùng trồng.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định: Hiện nay, các sản phẩm hoa quả của Việt Nam muốn XK đều phải được cấp mã số vùng trồng, và đã được làm rất bài bản. Vì vậy thời gian tới, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam phải lựa chọn được một số DN có uy tín, phối hợp liên kết với một số vùng nguyên liệu để SX theo quy trình chuẩn, có sự giám sát kiểm tra của các cơ quan của Bộ NN-PTNT để cấp chứng nhận vùng trồng tương tự như đã làm đối với rau quả. Đây sẽ là hạt nhân để lôi cuốn nông dân vào các mối liên kết, có kiểm soát chất lượng, dư lượng bài bản.

LÊ BỀN
Nguồn: nongnghiep.vn

TIN NỔI BẬT

Đua nhau xuống giống theo giá cà phê tăng vọt

Giá cà phê tăng cao thời gian qua khiến nhiều nông dân ở Tây Nguyên đưa nhau xuống giống, nhiều vườn chanh dây cũng bị phá bỏ để trồng cà phê

Liên kết website

Mở liên kết
Bottom