Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên kiểm tra thực tế, đánh giá kết quả triển khai hồ tiêu nuôi cấy mô tại Đắk Nông
Vườn hồ tiêu của gia đình ông Trần Văn Hiền, xã Nam Bình (Đắk Song) là một trong 4 mô hình trồng tiêu bằng giống nuôi cấy mô đầu tiên tại Đắk Nông. Mô hình được nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật (KHKT) nông lâm nghiệp Tây Nguyên triển khai.
Cách đây 3 năm, gia đình ông Hiền mạnh dạn nhận 300 cây giống hồ tiêu nuôi cấy mô từ nhóm nghiên cứu về trồng. Lúc đó, tâm trạng ông vô cùng lo lắng, bởi chưa biết kết quả sẽ ra sao.
Tuy nhiên, đến năm thứ 2 và 3, cây hồ tiêu phát triển vượt trội. Đến nay, vườn hồ tiêu nuôi cấy mô đã cho thu hoạch, với mỗi trụ được gần 2 kg tiêu khô.
Điều đặc biệt là gia đình chưa phát hiện ra các bệnh hại hay phải bơm xịt bất kỳ loại thuốc gì đối với vườn tiêu. Chiều cao của cây tiêu nuôi cấy mô vượt trội hoàn toàn so với giống tiêu cũ trong vườn của gia đình.
Vườn hồ tiêu nuôi cấy mô của gia đình ông Trần Văn Hiền, xã Nam Bình (Đắk Song) sinh trưởng, phát triển rất tốt sau 3 năm trồng
Ông Hiền chia sẻ: “Hy vọng năm tới, vườn tiêu nuôi cấy mô sẽ cho thu hoạch tốt hơn. Bà con cũng mong các đơn vị sớm có kết quả nghiên cứu để có nguồn giống hồ tiêu tốt”.
Sau 3 năm triển khai Đề tài “Đánh giá tiềm năng phát triển của cây hồ tiêu nuôi cấy mô trong điều kiện canh tác tại Đắk Nông” đã cho nhiều kết quả khả quan. Đây là đề tài hợp tác nghiên cứu giữa Sở KH-CN tỉnh Đắk Nông và Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên.
Nhóm nghiên cứu đã xây dựng 4 mô hình trồng hồ tiêu nuôi cấy mô ở Đắk Glong, Gia Nghĩa và Đắk Song. Từ đó đã khảo sát điều kiện khí hậu, đất đai xem cây hồ tiêu nuôi cấy mô sau thời gian huấn luyện trong phòng thí nghiệm ra tự nhiên có khả năng sinh trưởng, phát triển đến đâu.
Qua kết quả cho thấy, cây hồ tiêu nuôi cấy mô sinh trưởng rất khoẻ so với tiêu thông thường được bà con nhân giống trồng cùng thời điểm. Cây hồ tiêu nuôi cấy mô sinh trưởng tốt hơn, khả năng ra dây ác mạnh hơn. Trong vòng 12 tháng trồng, hầu như 100% hồ tiêu nuôi cấy mô đủ điều kiện để bắt đầu phát triển.
Thạc sĩ Đỗ Văn Chung, người chủ trì nhóm nghiên cứu cho biết, đối với cây hồ tiêu nuôi cấy mô, ngay thời gian đầu, cây giống đã được kiểm soát chặt về nguồn bệnh. Nó được tạo bộ rễ chùm trong quá trình nhân nuôi trong phòng thí nghiệm nên lượng rễ rất khoẻ.
Bộ rễ chùm trong quá trình nuôi cấy mô hồ tiêu trong phòng thí nghiệm giúp cây sống khoẻ khi ra tự nhiên
Khi đưa ra môi trường tự nhiên, cây có khả năng thích ứng tốt hơn. Nhiều rễ nên cây lấy được nhiều dinh dưỡng. Cây khoẻ, cộng với chất lượng đồng đều, nên giảm được công chăm sóc.
Quá trình canh tác, nhóm nghiên cứu đã tăng cường hữu cơ và xử lý làm cỏ cho cây hồ tiêu nuôi cấy mô cũng như trồng muồng hoa vàng cải tạo đất. Nhờ đó, giúp cho quá trình sinh trưởng của cây hồ tiêu nuôi cấy mô đến thời điểm này được đánh giá rất thành công.
Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên đang hoàn thiện quy trình trồng, chăm sóc hồ tiêu nuôi cấy mô ngoài đồng ruộng. Khi có kết quả, đơn vị sẽ chuyển giao nhân rộng sản xuất giống hồ tiêu nuôi cấy mô.
Hồ tiêu nuôi cấy mô tại Đắk Nông đã cho thu hoạch với chất lượng, sản lượng tốt.
Theo Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cơ cấu giống hồ tiêu của Việt Nam rất nghèo nàn, chủ yếu là giống Vĩnh Linh và Lộc Ninh. Trong đó, giống tiêu Vĩnh Linh chiếm tới trên 90%. Viện đã thu thập được khoảng 40 vật liệu giống tiêu khác nhau để kết hợp một số vật liệu tiêu nước ngoài để bổ sung vào bộ giống tiêu Việt Nam.
Lê Dung