Nông dân Đắk Mil chọn cây cà phê dây để... chống hạn

25/07/2020 09:12:21 GMT+7

Sau 10 năm thu hoạch, thấy rẫy cà phê bắt đầu giảm năng suất và hạn hán ngày càng gay gắt, năm nay, anh Nguyễn Văn Dũng, thôn Thuận Nam, xã Thuận An phá bỏ 2.000 cây cà phê già cỗi để trồng cà phê dây. 

Cà phê dây được lấy chồi, ghép tại Thuận An sẽ thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương

Theo anh Dũng, sau vụ thu hoạch, anh liên hệ với lò than bán cây cà phê kèm điều kiện múc gốc và đảo đất cho gia đình. Sau khi phơi đất, anh Dũng bắt đầu trồng tái canh cà phê.

"Tôi đã tìm hiểu nhiều giống cà phê trước khi chọn giống để tái canh. Với cây cà phê dây có nhiều ưu điểm như quả to, giòn, dễ hái, tiết kiệm công khi thu hoạch, năng suất bình quân từ 5 tấn - 7 tấn/ha. Cà phê dây tán nhỏ nên trồng được nhiều cây hơn so với cà phê địa phương ở cùng diện tích. Cà phê dây còn chống chịu hạn tốt và đây là ưu điểm lớn nhất để tôi lựa chọn trồng", anh Dũng giải thích.

Vừa xuống giống 600 cây cà phê dây, ông Nguyễn Văn Phương, thôn Thanh Phong, xã Đức Minh lại tất bật chăm sóc cho hơn 800 cây cà phê dây hơn một năm tuổi. Theo ông Phương, gia đình có 2.500 cây cà phê đã cho thu hoạch với thời gian 17 năm. Cả vườn cà phê già cỗi, nhưng chi phí tái canh lớn, nên gia đình phải chia làm từng năm.

"Để tái canh, tôi phải thuê máy múc gốc cà phê già cỗi, rồi chi phí phân bón, thuốc chống nấm, mối... Để bảo đảm cuộc sống, trên diện tích tái canh, tôi còn trồng thêm các loại cây ngắn ngày", ông Phương tâm sự. 

Cà phê dây mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất

Nhu cầu của người dân tăng cao, nên gần 1 tháng qua, vườn ươm cây giống cà phê dây đầu dòng của bà Trần Thị Kim Mỹ, thôn Thuận Nam, xã Thuận An trở thành điểm đến của nhiều người dân trong và ngoài tỉnh. Vườn ươm cây cà phê dây của gia đình bà Mỹ được cấp chứng nhận cây đầu dòng. Bà Mỹ đã ươm và trực tiếp ghép, bán giống cho người dân. Bà Mỹ cho biết, từ đầu năm đến nay, gia đình đã chuẩn bị nhà lưới và ươm hơn 10 vạn cây cà phê dây. Hiện tại, khách hàng đã mua hết 7 vạn cây.

Đợt khô hạn vừa qua, huyện Đắk Mil có 4.000 ha cây trồng bị ảnh hưởng, trong đó chiếm phần lớn là cà phê. Việc lựa chọn cây cà phê có khả năng chống chịu hạn tốt đang được nhiều nông dân chú ý.

Theo nhận xét của một số người dân đã trồng cà phê dây cho biết, cây trồng này mang nhiều ưu điểm. Cây sinh trưởng khỏe, tán thấp, nên thu hoạch thuận tiện. Cà phê dây còn có khả năng kháng bệnh gỉ sắt, bệnh nấm hồng. Nếu trồng cà phê ghép hoặc ghép tái canh bằng chồi giống cà phê dây thì năm thứ 2 cây cho bói và năm thứ 3 bắt đầu thu chính...

Ngoài câu chuyện tìm kiếm nguồn nước để chống hạn, quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vẫn đang diễn ra mạnh mẽ ở huyện Đắk Mil và các địa phương khác trong tỉnh. Thế nhưng, để tìm được những cây trồng phù hợp với các vùng đất vốn chịu nhiều tác động bất lợi từ thời tiết thì quả là không hề dễ, nhất là đối với người nông dân. 

Bài, ảnh: Đức Hùng

Nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"

Liên kết website

Mở liên kết
Bottom