Các nước thành viên IPC thống nhất một số vấn đề về sản xuất hồ tiêu sắp tới

27/04/2016 10:02:49 GMT+7

Hội nghị thường niên lần thứ V của Uỷ ban Nghiên cứu – Phát triển (R&D) của IPC đã nhóm họp tại Kalimantan, Indonesia để thống nhất một số vấn đề về sản xuất hồ tiêu sắp tới.

Một số nội dung đã được trao đổi thống nhất, cụ thể:

– Thẩm định lại các nội dung sách Hướng dẫn sản xuất Hồ tiêu của IPC “Pepper Guide”, thống nhất về qui trình kỹ thuật sản xuất hồ tiêu của mỗi quốc gia (giống, sản xuất hom giống, phân bón, trụ tiêu sống).

– Thẩm định lại danh mục thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên cây hồ tiêu.

– Thẩm định giá thành sản xuất, marketing, cơ giới hóa canh tác và sau thu hoạch, hệ thống trồng xen.

– Nhận định về qui định kiểm soát chất lượng VSATTP: các nước tiêu thụ hồ tiêu ngày càng qui định chặt chẽ hơn. Có những chỉ tiêu tính bằng ppm (phần triệu) chuyển sang phần tỷ (ppb) và thậm chí phần nghìn tỷ (ppt- part per trillion). Điều này cho thấy các nước sản xuất hồ tiêu cần phải thay đổi trong quản lý chất lượng hồ tiêu.

– Một số vấn đề về xu thế trong canh tác hồ tiêu của mỗi nước trong thời gian tới: Indonesia nhấn mạnh đến kỹ thuật canh tác  bón phân cho tiêu; Malaysia nhấn mạnh đến giống tiêu lai mới phục vụ chế biến tiêu trắng; Sri Lanka nhấn mạnh đến kỹ thuật sản xuất hom tiêu giống khỏe; Việt Nam và Ấn Độ nhấn mạnh đến các biện pháp quản lý sâu bệnh hại bằng “biocontrol” (đấu tranh sinh học thông qua các chế phẩm được phân lập từ nấm, vi khuẩn đối kháng với sâu bệnh). Ấn Độ chế ra những viên đóng gói được gọi là “biocapsule” chứa các chủng nòi vi khuẩn Trichoderma, Bacillus có ích. Họ còn tiến hành nghiên cứu nhiều nội dung rất sâu về “Soil Metagenomics”, với khẩu hiệu làm cho đất khỏe có nghĩa là cây khỏe (healthy soil, healthy plant).

– Về sản lượng, nhận định về giá trị kinh tế cây hồ tiêu, Mr. Jha, chuyên gia kinh tế của IPC trình bày báo cáo khảo sát tại 5 nước, theo đó ngành trồng tiêu thế giới trong thời gian từ 1996 đến 2015 có sản lượng tiêu tăng nhanh, với sự đóng góp tích cực của Việt Nam kể từ năm 2003. Trước đó, nước dẫn đầu luôn luôn là Ấn Độ và Indonesia. Năm 1990, Việt Nam chỉ đóng góp 4% sản lượng tiêu thế giới, nhưng đến năm 2000 là 14%, năm 2003 là 25%. Năm 2015, Việt Nam đóng góp 32% sản lượng hồ tiêu thế giới; kế đó là Ấn Độ góp 18%, Indonesia góp 16%, Malaysia góp 7%, Sri Lanka góp 6% và phần còn lại của thế giới đóng góp 12%.

Tính trong 30 năm qua, sản lượng hồ tiêu tăng 85%. Sản lượng hồ tiêu xuất khẩu tăng 204%, có nghĩa là trung bình mỗi năm tăng được 6,8%. IPC dự đoán Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng 34% sản lượng hồ tiêu xuất khẩu của mình trong 8 năm tới.

– Diện tích trồng tiêu của Việt Nam trong giai đoạn 1996-2005 tăng 567% và giai đoạn 2005-2014 tăng 13%. Trong khi đó, Brazil tăng 20% (1996-2005) và giảm 20% (2005-2014); Ấn Độ cũng vậy, tăng 17% sau đó giảm 17%; Malaysia tăng 33% và tiếp tục tăng 18%; Sri Lanka tăng 132% và tiếp tục tăng 10%.

– Câu hỏi đặt ra là khi nào nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu thế giới sẽ bảo hòa vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.

– Xu thế tiêu dùng hạt tiêu mới trên thế giới là sử dụng tiêu hữu cơ. Hiện mới chỉ có thị trường của Đức là khá rõ ràng cho sản phẩm tiêu hữu cơ, các thị trường khác còn khá mơ hồ. Làm thế nào nông dân có thể ký hợp đồng với doanh nghiệp SX tiêu hữu cơ vẫn là câu hỏi khó trả lời;

– Mô hình xen canh có hiệu quả cũng được thảo luận, đó là hồ tiêu xen canh với dừa tại Sri Lanka, hoặc tại Lampung của Indonesia; hồ tiêu xen canh với cau (areca nut: Areca catechu) tại Ấn Độ và hồ tiêu xen canh với cà phê tại Việt Nam;

– Kỹ thuật trồng cây trụ sống được khuyến cáo đặc biệt với cây Gliricidia sepium, Erythrina sp., Ceiba pentandra (gòn Việt Nam, cây kapok) với khoảng cách trồng tốt là 2,5 x 2,0m và 2,4 x 2,0 m với mật độ 1.700 đến 2.000 cây / ha, và thực hiện việc cắt tỉa tạo tán.

–  IPC đề nghị Việt Nam bổ sung danh mục giống tiêu với phần mô tả kỹ hơn cho từng giống; khuyến khích lai tạo giống lai F1 với mục tiêu rõ ràng như nội dung của Malaysia đang thực hiện.

Nguồn VPA

Nguồn: giatieu.com

Liên kết website

Mở liên kết
Bottom