Ngành hồ tiêu: Khi thủ lĩnh không có “thực tài”

09/02/2018 16:17:03 GMT+7

 

Phát triển nóng, sản xuất không sạch, bế tắc đầu ra cùng với các rào cản thương mại mà đối tác đặt ra đang khiến ngành hồ tiêu đối mặt với một năm đầy rủi ro, có nguy cơ mất mùa, mất luôn cả vị trí thủ lĩnh của ngành hồ tiêu thế giới.

Ngành tiêu được dự báo sẽ khởi đầu một năm đầy rủi ro

Bộ Công Thương cho biết, từ đầu tháng 1/2018 đến nay, giá hạt tiêu tại thị trường trong nước tiếp tục biến động theo xu hướng giảm. Hiện giá hạt tiêu trung bình từ 61.000 – 64.000 đồng/kg, giảm 7.000-8.000 đồng/kg so với đầu tháng và chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2017.

Giá hạt tiêu giảm mạnh trong hai năm vừa qua do diện tích trồng tăng mạnh. Theo Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, năm 2010, cả nước chỉ trồng 51,5 ngàn ha hạt tiêu; năm 2014 tăng lên 85,591 ngàn ha; đến hết 2017 là 152.668 ha, tăng 196,3% so với năm 2010, tăng 22,5% so với năm 2016, vượt quy hoạch trên 100 ngàn ha.

Giá lao dốc, nhiều rào cản 

Về xuất khẩu (XK), theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 15 ngày đầu tháng 1/2018, lượng hạt tiêu XK đạt 6.654 tấn, trị giá 28,16 triệu USD, tăng 71% về lượng và tăng 0,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá XK hạt tiêu trung bình trong kỳ ở mức 4.232 USD/tấn, giảm 41,3% so với mức giá XK trung bình cùng kỳ năm 2017.

Theo ước tính, tháng 1/2018, lượng hạt tiêu XK đạt 12 nghìn tấn, trị giá 51 triệu USD, tăng 43,5% về lượng, nhưng giảm 17,5% về trị giá so với tháng 1/2017. Giá XK hạt tiêu trung bình tháng 1/2018 ở mức 4.250 USD/tấn, giảm 42,5% so với mức giá XK trung bình tháng 1/2017.

Trước đó, năm 2017, lượng hạt tiêu XK đạt 214.855 tấn, trị giá 1,12 tỷ USD, tăng 20,9% về lượng nhưng giảm 21,8% về trị giá so với năm 2016. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường XK hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2017 với lượng đạt 38.861 tấn, trị giá 221,2 triệu USD, giảm 1,9% về lượng và giảm 35,4% về trị giá so với năm 2016.

Liên minh châu Âu (EU), thị trường XK hạt tiêu lớn thứ hai của Việt Nam, trong năm 2017 nhập từ Việt Nam 25.739 tấn, trị giá 156,5 triệu USD, giảm 0,3% về lượng và giảm 39,9% về trị giá so với năm 2016.

Lượng hạt tiêu XK sang Ấn Độ năm 2017 đạt 16.262 tấn, trị giá 78,8 triệu USD, tăng 46,3% về lượng, nhưng giảm 6,4% về trị giá so với năm 2016.

Bộ Công Thương dự báo, năm 2018, XK hạt tiêu sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn khi cung đang vượt cầu. Diện tích tiêu tăng nhanh ở Việt Nam và một số nước khác đã làm sản lượng toàn cầu tăng mạnh. Sản lượng tiêu thế giới năm 2016 đạt 434.000 tấn, đến năm 2017 đã tăng lên 510.000 tấn.

Năng suất hạt tiêu năm 2018 cũng giảm mạnh do mưa kéo dài trong năm 2017, dẫn đến việc không thể tiến hành cắt nước, kích hoa cho hồ tiêu và khiến nhiều vườn tiêu dễ bị sâu bệnh. Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, sản lượng hồ tiêu chỉ đạt 60-70%.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, năm 2018, năng suất hạt tiêu tại một số nước sản xuất lớn, trong đó có Việt Nam, có thể giảm nhưng do diện tích cho thu hoạch vẫn tăng nên tổng nguồn cung toàn cầu vẫn sẽ cao hơn 2017 và cao hơn nhu cầu. Điều này khiến giá thế giới có xu hướng không tăng.

Bên cạnh đó, XK hạt tiêu Việt Nam sẽ khó khăn do rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu như Hoa Kỳ, EU… Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đang có kế hoạch xem xét nâng mức giới hạn tối đa cho phép MRLs một số hoạt chất gồm Arcrimnathril, Tricyclazole, Metalaxyl… đối với hồ tiêu Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ.

Tương tự, cuối năm 2016, Uỷ ban châu Âu (EC) đã dự kiến nâng mức MRLs Metalaxyl đối với hồ tiêu nhập khẩu từ 0,1ppm lên 0,05ppm. Tuy nhiên, trước phản đối của Việt Nam và Ấn Độ, EC đã giữ nguyên mức MRLs Metalaxyl ở mức 0,1ppm đến hết năm 2018. Do đó, nếu không kiểm soát tốt về chất lượng, Việt Nam sẽ mất dần thị phần tại EU cũng như tại Hoa Kỳ, Ấn Độ.

Vừa qua, để bảo hộ sản xuất của nông dân trồng tiêu trong nước, Ấn Độ đã áp dụng thuế tối thiểu cho tiêu nhập khẩu. Trước đây, một tấn tiêu XK của Việt Nam sang Ấn Độ có giá 5.000 USD, giờ tăng lên 8.000 USD/tấn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới sức cạnh tranh của hồ tiêu Việt Nam

Làm gì để quyết định giá?

Như vậy, năm 2018 là một năm ngành hồ tiêu Việt phải cạnh tranh rất khốc liệt nên để cạnh tranh thành công thì phải có lợi thế. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, ngành này vẫn còn nhiều bất cập do phát triển quá nóng.

Theo quy hoạch của Bộ NN&PTNT đến năm 2020, tổng diện tích hồ tiêu cả nước chỉ khoảng 50 nghìn ha nhưng đến năm 2017, diện tích thực tế hồ tiêu cả nước ước đã lên 120-130 nghìn ha.

Về giá hồ tiêu, nhiều nước hiện nay đang nhập khẩu hồ tiêu từ các nước Nam Mỹ vì giá rẻ hơn 2.000-3.000 đồng/kg. Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, giá hồ tiêu của Brazil rất rẻ, do vậy nhiều khách hàng đang tập trung mua hồ tiêu Brazil. Như thế cũng có nghĩa rằng hồ tiêu Việt Nam đang gặp khó trước các thị trường Bắc Mỹ.

Bên cạnh đó, quy trình kỹ thuật lại không đảm bảo, người nông dân trồng bất cứ chỗ nào mà không cần biết vùng thổ nhưỡng đó có thích hợp không. Đặc biệt, việc lạm dụng thuốc trừ sâu hoá chất rất phổ biến. Dù được đánh giá là ngành XK tỷ đô nhưng chưa có giống đạt tiêu chuẩn, thiếu chú trọng công tác chế biến và xây dựng thương hiệu.

Trước thực trạng này, Bộ NN&PTNT cho rằng việc đầu tiên phải làm là tái cơ cấu lại ngành theo hướng sản xuất sạch, hạn chế lạm dụng thuốc trừ sâu, hoá chất, việc này là cần thiết để phát triển bền vững ngành hàng hồ tiêu trong thời gian tới.

Đối với công tác quản lý nhà nước, Bộ NN&PTN yêu cầu các đơn vị chỉ đạo của Bộ phải sớm tập trung vào công tác giống, gắn chặt khâu điều hành, nghiên cứu với nhu cầu của DN, thị trường.

Tăng cường quản lý vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, khuyến khích chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ, sớm tổng kết từng tiểu vùng để đánh giá quy trình kỹ thuật. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu chọn tạo và kiểm soát chất lượng giống hồ tiêu.

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nhấn mạnh làm sao hiệp hội và các địa phương phải nắm “đằng cán” được thị trường, chủ động ra được giá về ngành hồ tiêu trên thị trường quốc tế.

“Chúng ta đang ở vị thế là thủ lĩnh của ngành hồ tiêu thế giới nhưng chúng ta vẫn chưa thể hiện được vị thế này. Vì thế, từ năm 2018, Bộ NN&PTNT sẽ chú trọng đặc biệt vào việc xây dựng chiến lược để nâng được vị thế cho ngành hồ tiêu”, ông Doanh khẳng định.

Ông Nguyễn Nam Hải – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam

Trên thực tế, đã có nhiều DN đưa sản phẩm cuối cùng của hồ tiêu vào các siêu thị và nhà hàng nhưng sức tiêu thụ nội địa khó tăng mạnh do ngành công nghiệp thực phẩm chế biến trong nước chưa phát triển. Bởi vậy, chỉ có một con đường là cần phát triển theo hướng sản xuất bền vững. Ở đây, nông dân trồng hồ tiêu cần sự kết hợp và hỗ trợ không thể thiếu của các DN xuất khẩu. 

Ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT

Ngành hồ tiêu đang phát triển quá nhanh, dẫn đến tái cơ cấu còn hạn chế. Nếu không sớm hành động, nguy cơ tụt hậu là rất rõ, ngành hồ tiêu nhất trí không tăng mà phải giảm diện tích, vì sản xuất để hiệu quả chứ không phải chạy đua năng suất. Đề nghị các địa phương cùng với các cơ quan khuyến nông phải kiên quyết tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức, không nên trồng nếu thấy không hợp, tiêu đã chết thì không trồng lại, nhường diện tích cho các cây trồng khác có hiệu quả cao hơn.

Nguồn Lê Thúy (langmoi.vn)

Nguồn: giatieu.com

Liên kết website

Mở liên kết
Bottom