Xây dựng hệ sinh thái cho ngành cà phê

09/11/2023 08:25:07 GMT+7

Vì vậy DN Việt Nam phải tiếp tục gỡ “rào cản” để tận dụng dư địa của các FTA nhằm tiến sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nâng cao năng lực ngành hàng cà phê

Điểm yếu của cà phê Việt Nam là xuất khẩu nguyên liệu thô chiếm tỷ trọng lớn, chưa xây dựng được thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Theo Sở Công Thương, cộng đồng DN trong tỉnh ngày một thuận lợi trong tiếp cận và tận dụng cơ hội mang lại từ 16 FTA mà Việt Nam đã tham gia. Thị trường xuất khẩu hàng hóa của các DN Đắk Lắk đã mở rộng, vươn xa ra nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới; trong đó, tập trung ở các thị trường quan trọng như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc… Điều này đã nâng cao hiệu quả công tác hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập nhanh của DN. Để có thể tận dụng được cơ hội và hạn chế thách thức trong thực hiện cam kết của các FTA thời gian tới, DN cần tăng cường liên kết, tạo sức mạnh cạnh tranh; xây dựng thương hiệu; đầu tư vào các vùng trồng nguyên liệu để chủ động nguồn hàng xuất khẩu. Đặc biệt là chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh xuất khẩu có lộ trình phù hợp, phát triển sản xuất để có thể cạnh tranh với hàng hóa từ các nước trong khu vực; nắm quy tắc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: EVFTA, UKVFTA và CPTPP, vì xuất xứ hàng hóa là phần quan trọng trong hiệp định thương mại tự do giúp DN được hưởng ưu đãi khi xuất khẩu sang các thị trường này; nắm bắt việc giải quyết tranh chấp quốc tế về các biện pháp phòng vệ thương mại, chống bán phá giá…

Kho chứa nguyên liệu cà phê nhân đặc sản của Simexco Dak Lak

Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex, Chi nhánh Buôn Ma Thuột (Intimex Buôn Ma Thuột) cho biết, xác định EU là thị trường xuất khẩu lớn (hiện số lượng cà phê nhân xuất khẩu sang thị trường EU chiếm khoảng 50% tổng sản lượng xuất khẩu của công ty) nên Intimex Buôn Ma Thuột đang tập trung thực hiện các quy định để có thể phát triển thêm ở thị trường này. Hiện tại, Intimex Buôn Ma Thuột đã đầu tư vào những chương trình phát triển cà phê bền vững, thường xuyên cập nhật thông tin của thị trường mới và tham gia các lớp đào tạo, tập huấn để áp dụng vào việc thực hiện các quy định này. Tuy nhiên, ngoài những quy định rất khắt khe mà thị trường EU đưa ra như: cấm sử dụng hoạt chất Glyphisate, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc thì mới đây EU còn đưa ra các quy định về vùng trồng cà phê không liên quan đến phá rừng. Để làm được điều này, rất cần sự vào cuộc, hỗ trợ của các cấp chính quyền cũng như ngành chức năng liên quan để các DN sản xuất, kinh doanh cà phê tạo ra một vùng nguyên liệu đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật do EU đưa ra.

Tạo dựng hệ sinh thái cho ngành cà phê Đắk Lắk

Đắk Lắk sở hữu tiềm năng lớn về diện tích, sản lượng, chất lượng, cùng nguồn lực trong việc xuất khẩu cà phê và các sản phẩm chế biến từ cà phê. Hiện nay, nhiều DN trong và ngoài tỉnh đã đầu tư cơ sở chế biến, cải tiến công nghệ để sản xuất các sản phẩm từ cà phê, góp phần nâng cao giá trị và tăng thêm sự phong phú cho mặt hàng cà phê Đắk Lắk. Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn là cà phê nhân, các sản phẩm cà phê chế biến khác như cà phê rang, cà phê bột... vẫn chưa xuất khẩu được nhiều. Theo đó, tận dụng hiệu quả dư địa của các FTA thông qua việc xây dựng hệ sinh thái cho ngành hàng cà phê là giải pháp được Bộ Công Thương đưa ra nhằm tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển và tháo gỡ những khó khăn trong kết nối chuỗi chế biến cà phê; quy trình kỹ thuật sản xuất, vốn và công nghệ; xây dựng thương hiệu...

Nông dân Đắk Lắk thu hoạch cà phê

Từ góc độ là một DN tham gia chuỗi xuất khẩu cà phê của tỉnh, đại điện Simexco Dak Lak cho rằng, bên cạnh những thuận lợi mà các FTA mang lại thì khó khăn lớn nhất mà đơn vị gặp phải trong quá trình xuất khẩu đó là về mặt kỹ thuật. Bởi EU được xem là một thị trường khó tính khi thường xuyên cập nhật, cải tiến những tiêu chuẩn về "hàng rào kỹ thuật" nên các DN sản xuất, chế biến và xuất khẩu cà phê phải liên tục thích nghi và nâng cấp hệ thống quản lý để có thể đáp ứng được các yêu cầu của thị trường này. Hiện, công ty đang liên kết với hơn 40.000 hộ nông dân nhằm thiết lập vùng nguyên liệu chất lượng ổn định phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu. DN cũng đang rất quan tâm đến việc xây dựng bản đồ vùng rủi ro cao, rủi ro thấp; xây dựng cơ sở dữ liệu để xác định rõ vùng trồng cà phê không liên quan đến phá rừng, đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm cà phê, tạo dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng đáp ứng thị trường EU.

Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), một trong những biện pháp đang được Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai là lựa chọn 1 - 2 mặt hàng chủ lực ở từng tỉnh và xây dựng hệ sinh thái giúp tận dụng các FTA. Mục tiêu là giúp tạo ra sự kết nối giữa những chủ thể có liên quan để phối hợp giải quyết, xử lý nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tiến đến xây dựng thương hiệu riêng, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu, đặc biệt là các tiêu chuẩn về phát triển bền vững đang ngày càng phổ biến trên thế giới. Đối với tỉnh Đắk Lắk, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với tỉnh tập trung vào mặt hàng nông sản chủ lực là cà phê - mặt hàng nông sản đóng góp hàng tỷ USD mỗi năm nhờ xuất khẩu. Nếu việc tạo dựng hệ sinh thái cho ngành cà phê thành công sẽ giúp lan tỏa, triển khai cho các ngành có thế mạnh khác của tỉnh.

Tính trong 9 tháng, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước tính đạt gần 1,3 triệu tấn, trị giá hơn 3,1 tỷ USD (giảm 7,3% về lượng, nhưng tăng 1,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái). Trong bối cảnh EU cấm nhập khẩu cà phê trồng trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng từ cuối năm sau, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam khuyến cáo các địa phương cần kiểm soát người dân sống vùng gần rừng và ngăn chặn hành vi phá rừng để trồng cà phê. Hiện EU là thị trường tiêu thụ cà phê quan trọng của nước ta.

Thuận Nguyễn - Minh Tâm

Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

Liên kết website

Mở liên kết
Bottom