Để thay đổi tình hình này, đã đến lúc các cơ quan quản lý chức năng và chính những nông dân phải nhìn nhận nghiêm túc, có những hành động quyết liệt.
Vấn đề được gợi lên từ một clip trao đổi của nhà báo Vũ Kim Hạnh (TP. Hồ Chí Minh) về thực trạng bất cập của nông nghiệp nước nhà trong việc bảo vệ các bản quyền nông sản giá trị. Bà Hạnh cho biết, có đến 80% giống lúa đang trồng ở Thái Lan là của Việt Nam nhưng chẳng có cơ quan khoa học, quản lý chức năng nào đề cập đến việc bảo vệ, bảo hộ bản quyền giống lúa cho quốc gia. Trong khi đó, lại có dư luận rằng, các nhà sản xuất giống cây trồng của Malaysia, Indonesia và cả Thái Lan sẽ có những đề nghị Việt Nam trả lời về bản quyền các loại nông sản họ bị trồng tại Việt Nam.
Không đơn giản là những cái tên… bình dân!
Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, hơn 3 tháng trước, ông đọc thấy những bài viết trên báo ghi tên gọi các loại nông sản nổi tiếng Tây Nguyên “trật lất”. Chẳng hạn trong bài viết về sầu riêng có đề cập đến “sầu Thái” loại A. Ông Côn bức xúc: “Không có sầu Thái. Cách gọi đó là sai. Chúng ta có giống tên gọi là sầu riêng Dona, tên gọi này đã được công nhận sở hữu. Nếu gọi là sầu Thái, sẽ gây ngộ nhận là giống trái cây này của Thái Lan, bản quyền giống là của họ”.
Nhiều thương lái và nông dân vẫn quen gọi các loại nông sản bằng những tên gọi không chính xác. Ảnh: N. Đức
Nghịch lý là, nhận xét của ông Côn về mặt chuyên môn là chính xác, song ra thị trường lại… trái ngang, vì hầu hết nông dân, thương lái đều gọi sầu riêng Dona là… sầu Thái. Cách gọi này được lý giải… bình dân, là để phân biệt các giống sầu riêng lâu nay ở Tây Nguyên, có múi và hạt khác hẳn, chất lượng cũng khác nhau. Những người buôn bán có lẽ vì quan niệm thị trường Trung Quốc xưa nay chuộng mua sầu riêng Thái Lan nên gọi sầu Thái cho giống Dona, để dễ bán, giá tốt hơn. Có điều, xét về giống trái cây, bản quyền giống và đăng ký thương hiệu không thể chấp nhận sự nhập nhèm này, và những nhà quản lý chuyên môn như ông Côn càng không ủng hộ.
Vấn đề ở chỗ, theo các nhà chuyên môn, sự sai lệch trong cách gọi tên các loại trái cây, nông sản trong vườn người nông dân chỉ là một phần. Sâu xa hơn, quan trọng hơn, chính nhận thức của đông đảo nông dân và cả giới buôn bán về bản quyền giống nông sản còn rất hời hợt. Đa phần nông dân thừa nhận, họ thường không được tập huấn, thông tin nhắc nhở gì về các loại giống, mà chỉ đơn thuần nghe thị trường có loại nào “hot”, giá cao, canh tác được, là lập tức đổ xô vào chăm ươm, trồng trọt. Thực tế đó là những loại giống nào, vấn đề bản quyền ra sao, nông dân không quan tâm. Hệ lụy là khi đem sản phẩm ra xuất khẩu, căn cứ những quy định quốc tế, vấn đề bản quyền giống nông sản lập tức hiển thị, không sớm thì muộn cũng thành rào cản khó vượt.
Cần một chiến lược về bản quyền nông sản
Câu chuyện trái sầu riêng Dona, và hạt lúa giống Việt Nam, khi nhìn nhận lại, trở thành vấn đề lớn của ngành nông nghiệp nước nhà. Có nhà chuyên môn đã chỉ rõ, đã có một thời gian rất dài chúng ta không quan tâm đến cơ sở giống, tất cả cây trái đều theo hình thức lai tạo, không đầu tư chuyên môn khoa học về cấy tạo hạt giống, bản đồ gen, tế bào gốc… Ngay các viện nghiên cứu lớn cũng chưa thành lập được các kho tàng bảo quản giống, chưa thực chứng cho những thành quả cấy tạo nên giống ở chính các trường đại học. Do đó, bản quyền giống trở thành một vấn đề hời hợt, ít được quan tâm.
Công nhân Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chăm sóc vườn ươm cà phê giống. Ảnh: Duy Tiến
Trong khi đó, thành tựu nghiên cứu, phát triển giống tại các nước trong khu vực đến nay đã rất khác biệt. Những công bố, xác nhận, đăng ký của họ ngày càng nhiều, đe dọa một ngày không xa, vấn đề trả phí bản quyền phải được áp dụng. Những mức phí này dĩ nhiên không cao, song đếm số lượng, nhân lên sản lượng và nhất là về mặt nhận thức xã hội là cả một vấn đề lớn. Không lẽ ngành nông nghiệp Tây Nguyên sẽ phải trả tiền bản quyền suốt đời cho những loại cây trái, nông sản có nguồn gốc bên ngoài? Những nhà khoa học nông nghiệp các nước sẽ chỉ đơn giản cho lan tỏa giống nông sản nào đó tại các vùng chuyên canh, để đến một ngày nào đó, họ sẽ đặt vấn đề phí bản quyền? Quan trọng hơn, nếu cứ mãi dừng lại ở lai tạo ghép giống, không nghiên cứu chiều sâu những vấn đề bản quyền giống, chất lượng cây trồng của nông nghiệp nước nhà không thể được cải thiện tiến bộ liên tục và bền vững được.
Những vấn đề này, khi đối chiếu lại với thực trạng nông sản Đắk Lắk đang rao bán, chào mời đi khắp nơi, bằng những cái tên “bình dân” sai lệch, rõ ràng khó chấp nhận được. Sâu xa hơn, khi các doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp triển khai những kế hoạch phát triển vùng chuyên canh, đầu tư những vùng trồng có chất lượng cao, rõ ràng họ cần được bảo vệ và phải lưu tâm đến bản quyền nông sản đầy đủ. Một chiến lược hành động về bản quyền nông sản, vì thế phải được đặt ra, nghiêm túc, thu hút nhiều ngành hữu quan, và chính lực lượng người lao động tham gia. Các nhà khoa học, các nhà quản lý, phải lên tiếng, chứng thực minh bạch những thương hiệu, tiêu chuẩn giống. Các doanh nghiệp phải đầu tư giá trị bản quyền giống, kể cả mua lại của nước ngoài. Nông dân phải được tập huấn, hướng dẫn đích xác về các vấn đề giống cây trồng. Tất cả tựu trung lại, mới tạo nên được sức mạnh phát triển bền vững cho nông nghiệp Tây Nguyên và nước nhà, bảo vệ chính đáng những giá trị kinh tế địa phương!
Nguyên Đức