Chủ đề này vẫn đang được quan tâm cả hiện nay và sau này bởi tính liên tục và cần thiết của nó.
Nông sản Tây Nguyên đang ở đâu?
Để giải quyết bài toán về thị trường, các nhà nghiên cứu cho rằng trước hết chúng ta phải trả lời câu hỏi “nông sản Tây Nguyên đang ở đâu trên thị trường thế giới hiện nay?”. Ở đâu cả về thị phần trên các phân khúc thị trường; ở đâu cả về lợi thế so sách và những hạn chế, yếu kém cần khắc phục.
Mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP của Đắk Nông giai đoạn 2021-2030
Tây Nguyên có tổng diện tích đất nông nghiệp trên 5 triệu ha, chiếm 91.75% diện tích đất tự nhiên, trong đó có 1,3 triệu ha đất đỏ bazan. Đây cũng là một trong những trung tâm sản xuất nông sản hàng hóa lớn của cả nước với sự dồi dào về sản lượng và phong phú về chủng loại nông sản gắn với công nghiệp chế biến, phát triển du lịch sinh thái.
Tây Nguyên cũng có khí hậu thuận lợi cho phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lâm nghiệp, cây dược liệu chất lượng cao với sản lượng lớn và khả năng cạnh tranh cao. Ngoài ra, vùng còn có khả năng phát triển chăn nuôi đại gia súc, nuôi trồng thủy sản cá nước lạnh. Trong đó, Tây Nguyên từ lâu được biết đến là vùng đứng đầu cả nước về sản lượng cà phê, hồ tiêu, bơ, chanh dây...
Những năm gần đây, các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên đã phát huy khá tốt thế mạnh, nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích đất bằng việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất nông nghiệp đạt chuẩn để mở rộng, nâng cao thị trường tiêu thụ sản phẩm các ngành hàng.
Theo đó, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 tăng 6,05%/năm. Từ năm 2021 đến nay, bình quân, giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp hàng năm tăng trên 6% và chiếm gần 13% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp cả nước.
So về sản lượng với cả nước, cà phê Tây Nguyên chiếm 94,8%; cao su chiếm 22,1%, hồ tiêu chiếm 68,6%. Một số cây ăn quả tăng nhanh như: sầu riêng chiếm tới 43,1% diện tích và 36,3% sản lượng; bơ chiếm tới 78,1% diện tích và 81,9% sản lượng. Cùng với đó, Tây Nguyên là vùng sản xuất chanh dây lớn nhất cả nước, chiếm trên 70% diện tích.
|
Với những lợi thế so sánh đó, một số ngành hàng như cà phê, hồ tiêu, chanh dây, cao su, bơ… đang đóng một vai trò chủ lực trong chuỗi cung ứng ra thị trường trong và ngoài nước. Chưa kể, việc đồng nhất về thổ nhưỡng, khí hậu ở một số tỉnh trong khu vực cũng tạo thuận lợi lớn trong xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn phục vụ chế biến sâu, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Hiện một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam được xếp tốp nhất nhì khu vực cũng như thế giới thì Tây Nguyên đã góp mặt nhiều sản phẩm như cà phê, hồ tiêu, chanh dây, điều và mắc ca, cao su…
Nhiều sản phẩm nông nghiệp Đắk Nông đang có mặt trên thị trường trong nước và quốc tế
Tuy nhiên, theo đánh giá, giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản của Tây Nguyên vẫn còn thấp, chưa xứng tầm với những tiềm năng, lợi thế vốn có. Sức cạnh tranh và làm chủ của nhiều sản phẩm trên thị trường chưa cao. Nguyên nhân trước hết là do tính liên kết vùng trong các chuỗi giá trị còn thấp. Các địa phương trong vùng vẫn chủ yếu đang phát triển theo hướng manh mún, nhỏ lẻ. Trong nội vùng chưa xác lập rõ việc ưu tiên lợi thế so sánh cho từng ngành hàng để xây dựng, phát triển chuỗi liên kết từ vùng nguyên liệu đến khâu chế biến, xây dựng thương hiệu sản phẩm mang tính chất vùng, tiểu vùng…
Kết nối chuỗi giá trị để phát triển bền vững
Chúng ta có thể khẳng định, nông nghiệp Tây Nguyên đã hội tụ đầy đủ các yếu tố để kết nối chuỗi giá trị sản xuất của vùng với nhu cầu tiêu thụ của các tỉnh, thành phố, vùng, miền trên cả nước, cũng như xuất khẩu, tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong những năm gần đây, các tỉnh Tây Nguyên đã tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA để ngành cà phê xuất khẩu ổn định.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, các tỉnh Tây Nguyên phải xây dựng được chiến lược xuất khẩu cho từng mặt hàng nông sản, tổ chức sản xuất theo xu hướng tiêu dùng xanh của thế giới, xây dựng được đồng hộ hệ thống logistics, xuất khẩu nông sản mới đảm bảo bền vững, từ đó mới tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, các doanh nghiệp vùng Tây Nguyên xác định phải nâng cao sức cạnh tranh của ngành hàng bằng cách tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe mà thị trường thế giới yêu cầu, tập trung vào 3 vấn đề trọng tâm về kinh tế, xã hội và môi trường.
Hồ tiêu đang là một trong những sản phẩm chủ lực của Tây Nguyên trên thị trường trong và ngoài nước
Tuy nhiên hiện nay, ngoài những tiềm năng và lợi thế so sánh, nông nghiệp Tây Nguyên cũng đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như xuất phát điểm “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”. Biến đổi khí hậu đang làm một số ngành hàng phải đối mặt với thách thức về sản lượng, chất lượng đặc trưng… Ngoài ra, việc phát triển các hình thức tổ chức sản xuất mang tính nội vùng còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao; sự điều phối theo chuỗi ngành hàng, liên kết các địa phương có vùng nguyên liệu tương đồng chưa được chú trọng đúng mức.
Chưa kể đến, chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững thời gian tới không chỉ về vấn đề nông nghiệp mà còn phải tập trung vào câu chuyện thương hiệu, chuyển đổi số và nông nghiệp công nghệ cao. Trong khi hiện nay, việc thiếu tính liên kết, chia sẻ lợi ích và nguồn lực nên vẫn trong tình trạng mạnh ai nấy làm. Tức địa phương có lợi thế về nguồn lực lớn hơn thì có nhiều lợi thế bứt phá, đi trước, tạo nên khoảng cách giữa các địa phương ngày một xa dần về tính cạch tranh, phá vỡ một số lợi thế tương đồng vốn có…
Có thể thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị ngành hàng theo hướng phát triển hợp tác xã, nông dân, tổ hợp tác liên kết trong sử dụng đất nông nghiệp có trách nhiệm, và thân thiện với môi trường. Muốn vậy, việc cụ thể hóa quy hoạch vùng nguyên liệu, nhà máy chế biên dựa trên tính tương đồng của các tỉnh trong vùng là rất cần thiết.
Khi có được quy hoạch mang tính nội vùng khả thi, cùng với hệ thống cơ chế, chính sách vùng hiệu quả, doanh nghiệp chính là “nhạc trưởng” điều phối các bên tương tác, xây dựng và phát triển thương hiệu cho nông sản Tây Nguyên bằng việc gắn kết nhiều “mảnh ghép” từ các tỉnh nội vùng.
Việc liên kết chuỗi giá trị dựa trên tính tương đồng giúp các ngành hàng giảm được nhiều chi phí cho một số công đoạn trong chuỗi giá trị như tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu, kiểm định tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm…