Bấp bênh cây ăn trái

17/03/2023 08:15:55 GMT+7

Sau 6 năm chuyển đổi 2 ha cà phê sang trồng cây ăn trái, anh Nguyễn Tiến Mạnh, ở xã Nam Đà (Krông Nô) đã có 250 cây vải và 100 cây sầu riêng cho thu hoạch. Mỗi vụ, vải thu hoạch được từ 7 – 10 tấn, sầu riêng từ 6 – 7 tấn. Đây cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình anh.

Vào mua thu hoạch, vườn vải của anh Mạnh thường tiêu thụ rất khó khăn

Anh Mạnh cho biết, việc tiêu thụ vải và sầu riêng khá khó khăn. Đến vụ thu hoạch phải gọi điện cho các lái buôn để họ vào vườn xem, mua. Việc thu mua chủ yếu là thỏa thuận giữa hai bên nhưng thường bị ép giá. 

Anh Mạnh chia sẻ: "Tôi mong muốn kết nối đầu ra, giá bán ổn định để yên tâm đầu tư sản xuất theo hướng chuyên sâu".

Anh Phan Văn Minh, ở xã Nam Đà (Krông Nô) có 2 ha bơ 034, bơ booth, bơ hass... 4 năm trở lại đây, một số loại bơ không được người tiêu dùng ưa chuộng khiến việc tiêu thụ khó khăn. Vào mùa thu hoạch bơ, anh Minh chủ động liên hệ với các thương lái, chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm.

"Hiện tôi đang ghép cải tạo một số giống bơ được thị trường tiêu dùng nhiều. Tôi rất cần sự định hướng của ngành chức năng về phát triển cây bơ để phát triển, thu nhập ổn định cho gia đình", anh Minh chia sẻ.

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, cây ăn trái đang dần khẳng định vị thế trong cơ cấu cây trồng của tỉnh Đắk Nông. Toàn tỉnh có 18.535 ha, trong đó, 8.585 ha cho thu hoạch, sản lượng 86.640 tấn. Một số cây ăn trái chiếm diện tích lớn như sầu riêng, bơ, xoài.

Cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đã dần hình thành vùng chuyên canh, tập trung như sầu riêng Đắk Mil; xoài Đắk Mil, Cư Jút; cam, quýt, chanh dây tại Gia Nghĩa, Đắk Glong; mắc ca Tuy Đức; bơ Đắk Glong, Krông Nô… Toàn tỉnh hiện có 1.085 ha sản xuất theo các tiêu chuẩn được chứng nhận.

Trên địa bàn tỉnh có 27 cơ sở sơ chế, chế biến trái cây. Các cơ sở chủ yếu chế biến thủ công, sau chế biến bảo quản sản phẩm tại các kho lạnh, kho mát.

Sản phẩm cây ăn trái ở Đắk Nông đang gặp nhiều khó khăn ở khâu tiêu thụ

Cũng theo Sở NN-PTNT, sản phẩm trái cây của tỉnh chủ yếu tiêu thụ trong nước. Trái cây chủ yếu được phân loại, sơ chế và xuất đi tiêu thụ trái tươi nên giá cả bấp bênh và không ổn định. Trên địa bàn tỉnh hiện chưa có nhà máy chế biến quy mô lớn. Một số doanh nghiệp quy mô còn nhỏ, thiếu vốn, không trực tiếp xuất khẩu mà phải qua trung gian, khó tiếp cận thị trường quốc tế. 

Để xuất khẩu trái cây, từ năm 2022 đến nay, ngành nông nghiệp đã tiếp nhận 104 hồ sơ đăng ký cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói với gần 2.100 ha gồm sầu riêng, chanh dây, xoài, bơ, bưởi… Tuy nhiên hiện mới có 11 cơ sở đóng gói và vùng trồng được cấp mã số.

Nguyên nhân các cơ sở chưa được cấp mã vùng trồng là do các nước nhập khẩu yêu cầu phải bảo đảm đủ điều kiện như quy mô sản xuất từ 10 ha trở lên và thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật...

Vấn đề đặt ra hiện nay đối với cây ăn trái là ngành chức năng cần sớm có những định hướng phát triển bền vững. Người dân không nên mở rộng diện tích dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. 

Hưng Nguyên

Nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"
Bottom