Kỹ thuật làm bông cho cây hồ tiêu (P1)

27/05/2022 15:51:23 GMT+7

Một trong những kỹ thuật rất khó của nghề trồng tiêu không được phép sai lầm, đó là kỹ thuật làm bông. Chắc hẳn người trồng tiêu đều biết, ngoài quản lý sâu bệnh dịch hại thì hiện tượng tiêu mất mùa, năm trúng năm thất, cũng làm cho nhiều bà con dở khóc dở cười. Nhà nông thường chủ quan, phó mặc cho trời.

Trong các cuộc hội thảo về hồ tiêu hay quảng bá sản phẩm BVTV thì cũng đa phần nói về phòng trừ dịch hại, ít nghe nói về kỹ thuật làm bông. Phần là người ta giấu nghề không muốn chỉ, phần là không dám chia sẻ. Người ta nói làm ơn mắc oán là rất đúng trong trường hợp này. Chỉ cần sai một ly là đi ngàn dặm. Nói là làm bông nhưng phải kết hợp nhiều yếu tố. Từ cách quản lý dịch hại, hãm nước, bón phân, chăm sóc,… Mục đích cuối cùng của những việc trên là cây cho năng suất cao, ổn định, bền vững. Trong đó kỹ thuật làm bông chính là chìa khóa.

Để cho hồ tiêu năm nào cũng được mùa. Bà con cần phải tìm hiểu một chút kiến thức về sinh lý thực vật. Khi đã nắm bắt được các giai đoạn sinh trưởng của cây và thổ nhưỡng, khí hậu của vùng mình thì sẽ dễ dàng trong việc chăm sóc tiêu hơn. Điều này đòi hỏi phải có một chút kinh nghiệm, hiểu biết nhất định nào đó. Bao gồm các yếu tố như khí hậu, thời tiết, chất đất, mưa, nắng,… Ông bà ta khi xưa đã biết dựa vào các yếu tố “thiên thời, địa lợi” để đánh trận thì ngày nay ta cũng vận dụng các yếu tố đó làm kinh tế.

Tôi sẽ giới thiệu qui trình làm bông của nhà mình để bà con tham khảo. Cái khó chính là làm cho cây tiêu ra hoa tập trung, năng suất cao ổn định.

Để cho cây hồ tiêu cho năng suất cao ổn định yêu cầu cây hồ tiêu phải mạnh khỏe ít bệnh tật. Hạn chế hồ tiêu suy bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý trong cả năm. Cây có khỏe mạnh thì mới cho năng suất cao ổn định được.

Cây hồ tiêu có một đặc điểm khá thú vị là mỗi mắt tay của nó đều có thể cho bông nếu ta biết đánh thức nó dậy. Những mắt trên tay hồ tiêu luôn chứa 1 mầm. Nó như nàng công chúa ngủ trong rừng đang đợi chờ hoàng tử đến thức dậy. Việc phân hóa mầm hoa hợp lý cây sẽ luôn cho năng suất cao. Để làm điều đó cũng không phải là vấn đề quá khó khăn.

1. Các việc cần làm khi hãm nước

Sau khi thu hoạch bà con nên rửa cây bằng thuốc diệt nấm hay các thuốc gốc đồng để tiêu diệt mầm bệnh, diệt nấm có hại trên lá như thán thư địa y, và cho lá già lá bệnh tật rụng đi.

Làm sạch chồi, cắt bỏ tiêu lươn và những tay nằm sát mặt đất.

Gom những lá già lá bệnh tật rụng đem đi đốt.

Mục đích của những việc làm trên là ngăn ngừa bệnh tật và tạo điều kiện cho hồ tiêu phân hóa mầm hoa.

Nhưng điều cốt lõi của việc phân hóa mầm hoa chính là hãm nước. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, khi cây gặp điều kiện khô hạn trong vòng 15 ngày thì Acid Absisic tăng lên, Acid Cytokinin và Acid Giberilic giảm xuống là điều kiện tốt kích thích sự phân hóa mầm hoa để phát triển hình thành hoa. Làm chuyển quá trình sinh trưởng dinh dưỡng sang quá trình sinh thực (ra hoa kết trái). Trong thời gian này chúng ta hãm nước không tưới. Nhưng quá trình hãm nước yêu cầu phải dài hơn, vì chắc chắn ẩm độ trong đất vẫn còn khi ta chăm sóc, tưới cây chống suy khi thu hoạch, cây vẫn chưa đủ khô để phân hóa mầm hoa. Tôi thường hãm nước từ 30 đến 45 ngày tùy vào tiêu sung hay không. Khi chuyển từ sinh trưởng sang sinh thực yêu cầu cây phải sung thì mới cho năng suất cao. Nếu hồ tiêu sung mà không phân hóa mầm hoa được thì việc chuyển hóa sẽ không thành công, cây có thể cho ra bông 2 đợt. Như tình trạng năm nay nhiều bà con đang gặp phải, cây chỉ lá và lá là điều dể hiểu. Sau đó nó sẽ ra đợt bông thứ 2 lác đác rất khó chịu.

Cho nên sau khi thu hoạch bạn cần phân ra làm 3 loại tiêu: tiêu sung, tiêu bình thường không sung không suy và tiêu suy.

Đối với hồ tiêu suy, thường là những giống chín sớm như Ấn Độ, bà con chỉ cần tưới theo cho tới đợt thúc phân, thì thúc cùng lúc với tiêu đã hãm nước cây sẽ ra bông. Không cần phải lo lắng. Khi cây suy thì Acid Absisic đã có nhiều trong cây và cây lúc nào cũng sẵn sàng cho ra bông. Nhưng nếu ta không cân đối phân bón thì sang năm cây lại bị mất mùa. Vì cây lại phải tập trung cho quá trình tạo dinh dưỡng.

Đối với hồ tiêu sung ta phải chú ý từ khi thu hoạch. Nhất là tưới nước khi thu hoạch để chống suy cây cần phải có một kinh nghiệm nhất định nào đó. Phải biết cách phân biệt cây tiêu sung hay ít sung để điều chỉnh lượng nước tưới cho cây hợp lý trong quá trình thu hoạch. Với hồ tiêu sung và hồ tiêu bình thường thì việc hãm nước 30-45 ngày là yêu cầu rất quan trọng. Mặc dù hồ tiêu rất tốt, sung nhưng nếu không hãm nước tạo điều kiện phân hóa mầm hoa thì cây sẽ rất ít bông.

Việc đốt lá già, lá bệnh tật cũng góp phần không nhỏ trong việc tạo điều kiện để phân hóa mầm hoa. Lượng tro mà ta đốt trả lại cho đất chính là Kali giúp cây trồng cứng cáp hơn, tăng khả năng chống chịu với điều kiện ngày càng bất lợi của môi trường.

Sau khi hãm nước xong nên tưới lại ướt đẫm như mưa 2 đợt trong tuần cho cây hồi phục. Không chỉ tưới trong gốc mà phải tưới cả ngoài tán cây, vì rễ của hồ tiêu kiếm ăn rất xa. Xịt phân bón lá kích thích ra hoa và lá non tập trung trước rồi mới bón phân. Việc làm này giúp cho cây hồi phục sức khỏe sau một thời gian ta ép cây. Nếu bón phân ngay lần tưới đầu tiên thì cây không hấp thu được, có thể còn làm tổn thương bộ rễ và lãng phí phân bón. Phân bón lá giúp cây trồng hấp thu dễ dàng hơn. Trong công nghiệp gọi là năng suất làm việc còn trong nông nghiệp gọi là hiệu suất hấp thụ dinh dưỡng của cây trồng. Bà con ta thường ít khi lưu tâm đến vấn đề này.

Vấn đề lớn trong quá trình phân hóa mầm hoa mà bà con hay gặp, đó chính là gặp mưa sớm. Như kết quả của cơn bão số 1 năm nay bà con biết rồi đấy. Việc hãm nước trở nên rất khó khăn trong điều kiện như vậy, thậm chí có thể nói là không thể. Nhưng ta vẫn khắc phục được bằng cách xịt thuốc phân hóa mầm hoa, hoặc có thể thay thế bằng thuốc gốc đồng, lúc này lá cây sẽ rụng đi khoảng 15-30 %. Sau khoảng 1-2 tuần ta xịt lại phân bón lá kích thích ra hoa và lá non tập trung y như là đã hãm nước. Và thực hiện bước kế tiếp y như đã phân hóa mầm hoa xong vậy. Bà con lưu ý chỉ nên áp dụng cho hồ tiêu sung vì tác động này là khá mạnh. Cách làm này có thể cho hồ tiêu ra bông như ý. Nhưng dù gì thì thời tiết cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc làm bông. Nếu chúng ta biết cách khắc phục thời tiết thì cũng không còn là vấn đề lớn. Nên xem dự báo thời tiết để ta còn có thể tính toán cho cây ra bông hợp lý.

Việc phân hóa mầm hoa chỉ là một bắt đầu nhỏ cho hành trình dài trong kỹ thuật làm bông của cây hồ tiêu.

Nguyễn Minh Vịnh

giatieu.com
Bottom