Sử dụng phân bón hữu cơ để giảm tải áp lực chi phí cũng như hướng tới nền nông nghiệp xanh. Ảnh: Hoàng Sơn.
Biến rác thải thành phân bón cây trồng
Xác định phát triển nông nghiệp hữu cơ là “chìa khóa” phát triển nông nghiệp bền vững, huyện Định Quán, Đồng Nai đã triển khai mô hình ứng dụng công nghệ sinh học, ứng dụng lợi khuẩn Probiotic (IMO), biến rác thải hữu cơ thành phân bón. Nhờ triển khai mô hình này đã góp phần tăng giá trị cho sản xuất nông nghiệp đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sống khá hiệu quả.
Đến Định Quán, Đồng Nai hầu như ai cũng biết thương hiệu Yến lộc rừng. Từ 3ha đất rừng cằn cỗi, bạc màu, anh Trần Văn Tuấn (xã Thanh Sơn, Định Quán, Đồng Nai) đã biến thành mảnh đất trù phú. Quyết tâm sản xuất nông nghiệp theo phương thức hữu cơ, anh Tuấn đã tập trung đầu tư sản xuất trên mảnh đất khô cằn, hoàn toàn nói không với phân bón và hóa học.
Anh Tuấn cho hay, để cho ra đời sản phẩm bột sương sâm với chất lượng như ý, gia đình anh thực hiện quy trình 1 vòng khép kín với mô hình vườn rừng hữu cơ. Theo anh Tuấn, khâu quan trọng nhất trong sản xuất bột sương sâm là cải tạo đất. Trước đây, khu vườn nhà anh được người dân địa phương trồng quýt, sử dụng phân hóa học để bón cây và phun thuốc trừ sâu khiến đất bị chai. Gần 10 năm qua, anh Tuấn không xịt thuốc trừ sâu, trừ cỏ hay bón phân hóa học lên khu vườn mà thực hiện trồng cỏ, trồng cây rồi tỉa cảnh, tạo phân hữu cơ cho khu vườn, thi thoảng bổ sung phân dê. Nhờ vậy mà giờ đây, đất trong khu vườn của gia đình anh Tuấn tơi xốp, có nhiều vi sinh vật có lợi. Đặc biệt để tạo chất dinh dưỡng cho cây trồng anh thực hiện mô hình IMO theo đó, rác thải sinh hoạt hàng ngày trở thành nguồn phân bón giá trị cho cây trồng.
“Quy trình nhân nuôi IMO rất đơn giản, nguyên liệu đầu vào dễ tìm kiếm, có thể dùng như là bí, khoai lang, đủ đủ, chuối, mật rỉ, men tiêu hóa, men rượu, sữa chua... Tất cả nguyên liệu trộn đều, ủ trong thùng nhựa có nắp đậy, mỗi ngày mở nắp khuấy 1 lần, sau 7 ngày có thể sử dụng. Tùy theo mục đích của người dùng, từ men này có thể pha loãng với nước có thể dùng ủ phân bón vi sinh, xử lý mùi hôi của rác sinh hoạt và chất thải chăn nuôi hoặc chế tạo thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ. Do tự sản xuất nên chi phí đầu tư cho sản xuất thấp hơn nhiều so với sử dụng các loại phân bón khác” - anh Tuấn cho hay.
Nhờ triển khai mô hình này, anh Tuấn cho biết, so với vườn sương sâm canh tác theo phương pháp hóa học, năng suất vườn sương sâm nhà anh chỉ bằng 1/3. Tuy nhiên, điểm khác biệt là chất lượng, sản lượng thạch từ vườn lá sương sâm của gia đình anh lại cao hơn nhiều. Cụ thể, 1kg lá sương sâm tươi canh tác theo phương pháp hóa học chỉ làm được 20 lít thạch, còn 1kg lá sương sâm của gia đình anh cho từ 30-35 lít thạch.
Phấn đấu đưa tỷ lệ phân bón hữu cơ lên 50%
Minh chứng từ thực tế cho thấy, việc tận dụng nguồn phụ phẩm cực lớn trong nông nghiệp, thủy sản và bã thải của sản xuất phốt pho vàng để sản xuất phân hữu cơ và phân hữu cơ vi sinh không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn giúp giảm phát thải ra môi trường cũng như bảo vệ sức khoẻ cho người dân.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Trung, phân bón đóng vai trò quan trọng vì góp từ 30-60% giá trị đầu vào của vật tư nông nghiệp và làm tăng năng suất cây trồng ở mức 40-50%. Ngoài phân bón sản xuất trong nước, Việt Nam cũng nhập khẩu nhiều phân bón từ nước ngoài. Lượng phân bón được nhập khẩu về Việt Nam trong 6 tháng năm 2024 đạt trên 2,58 triệu tấn, kim ngạch 838,34 triệu USD. Trong đó, nhiều nhất từ thị trường Trung Quốc: Trên 1,03 triệu tấn, trị giá gần 295,98 triệu USD, chiếm 40% trong tổng lượng và chiếm 35,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.
Để giảm tải áp lực chi phí cũng như hướng tới nền nông nghiệp xanh, theo ông Trung, sử dụng phân bón hữu cơ là giải pháp lâu dài dựa trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại kết hợp với kinh nghiệm truyền thống, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về nguồn nguyên liệu hữu cơ sẵn có trong nước để thay thế một phần phân bón vô cơ, giảm sự phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu, phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững. Theo đó, Bộ NNPTNT đã phê duyệt Đề án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 với mục tiêu nâng tỉ lệ sử dụng phân bón hữu cơ lên ít nhất 30% vào năm 2030.
Đề cập tầm nhìn đến năm 2050, Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia có tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ cao trong khu vực, diện tích trồng trọt có sử dụng phân bón hữu cơ chiếm 50%; 80% số tỉnh, thành phố xây dựng được mô hình sử dụng phân bón hữu cơ gắn với chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, đặc sản có lợi thế của địa phương; 100% nguồn nguyên liệu sẵn có từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, rác thải sinh hoạt… được sử dụng làm phân bón hữu cơ trong cả quy mô nông hộ và sản xuất công nghiệp.