Theo Sở Nông nghiệp – PTNT tỉnh Đắk Nông, hiện toàn tỉnh có khoảng 212.500ha cây chủ lực gồm cà phê, hồ tiêu, cao su, điều; khoảng 14.400ha cây ăn trái và 53.000ha cây hàng năm. Để cây trồng phát triển tốt, nông dân đang tích cực chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh cho vườn cây một cách khoa học.
Bổ sung dinh dưỡng cho vườn cây vào thời điểm đầu mùa mưa được các nhà vườn chú trọng
Gia đình bà Mai Thị Huệ ở xã Đắk D’rô, huyện Krông Nô có hơn 2ha cà phê trồng xen thêm hồ tiêu, sầu riêng. Đến nay, vườn cây của bà Huệ đang thời kỳ tăng trưởng kích thước trái, phát triển cành thứ cấp. Để vườn cây phát triển ổn định, những tháng mùa khô, bà Huệ đã bỏ nhiều công sức chăm sóc nên vườn cây phát triển ổn định, số lượng cây bị suy kiệt, khô cành, rụng trái non do nắng nóng khá thấp.
Bà Huệ cho biết: “Hơn 3 năm qua, tôi áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), tạo thảm cỏ nên vườn cây thích ứng khá tốt với điều kiện biến đổi của thời tiết”.
Theo bà Huệ, đầu mùa mưa, bà tiến hành tỉa cành, làm cỏ, cắt bỏ hết những cành bị sâu bệnh, nhờ đó giảm được rất nhiều sâu bệnh trong vườn.
Còn theo ông Nguyễn Thành Trung, ở thôn Tân Lợi, xã Đắk R’moan, TP. Gia Nghĩa, bước vào mùa mưa, việc đầu tiên ông phải làm là tập trung đầu tư phân bón, thuốc phòng bệnh để giúp vườn hồ tiêu, cà phê nhanh phục hồi.
Vườn cà phê của ông Phạm Trường Tam ở bon Bu Dăr, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) bị rệp sáp gây hại
Ông Trung cho hay: “Một điều hết sức quan trọng đối với cây cà phê, hồ tiêu bị ảnh hưởng do hạn hán đó là phải xử lý dứt điểm các loại bệnh hại phát sinh trong những tháng mùa khô để lại. Qua đó, kết hợp bón phân đúng cách giúp cây nhanh phục hồi và nuôi trái cho mùa vụ tới”.
Theo bà Nguyễn Thị Thảo, Trưởng Phòng Huấn luyện – Chuyển giao, Trung tâm Khuyến nông – Giống nông lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông, đầu mùa mưa cũng là thời điểm các loại cây trồng như: cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái bước vào thời kỳ nuôi trái. Do vậy, ngoài vấn đề vệ sinh vườn, bà con cần bón vôi, cải tạo đất.
Bà Thảo cho hay: “Trên cơ sở đó, bà con tiến hành bón lân hoặc nếu sử dụng NPK thì nên bón thêm phân hữu cơ để kích thích cho cây ra rễ và trả lại nguồn hữu cơ cho đất”.
Bởi trong quá trình sinh trưởng, phát triển của năm trước, cây đã lấy đi một hàm lượng dinh dưỡng lớn để nuôi trái. Do đó, các nông hộ cần bổ sung dinh dưỡng kịp thời ngay đầu mùa mưa.
Sử dụng vòi nước để rửa vườn, loại trừ rệp sáp trên vườn cây
Giai đoạn này, cây rất cần bổ sung phân hữu cơ nhưng việc bón phân hữu cơ cần phải cân đối giữa các yếu tố hữu cơ và vô cơ. Qua đó mới giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao và bền vững.
Khi sử dụng phân vô cơ, các nhà vườn cần chú ý bón các loại phân có hàm lượng đạm và lân cao. Mục đích là giúp cây tăng khả năng ra rễ, bổ sung đạm để cành nhánh phát triển, tạo sinh khối, cây sẽ quang hợp tốt trong quá trình nuôi trái. Bên cạnh đó, thời điểm này, cây trồng cũng cần một số yếu tố trung, vi lượng, đặc biệt là Bo. Nếu thiếu vi lượng Bo sẽ ảnh hưởng tới tỷ lệ đậu trái của cây trồng.
Trong giai đoạn đầu mùa mưa, do thời tiết nắng nóng, mưa nhiều, đây là điều kiện để các loại rệp sáp, rệp vảy xanh, vảy nâu rỉ sắt, tuyến trùng hại rễ, nhện đỏ phát triển. Vì vậy, khi sử dụng thuốc, các nhà vườn cần theo nguyên tắt “4 đúng” là đúng thuốc, đúng liều lượng, nồng độ và phương pháp.
Đầu mùa mưa, các vườn hồ tiêu dễ bị nhiếm chết nhanh, chết chậm do tuyến trùng gây hại
“Ngoài ra, bà con cần thăm vườn thường xuyên để quan sát hiện tượng rụng trái non của vườn cà phê, sầu riêng… Bà con nên sử dụng phân bón lá có hàm lượng Bo cao để chống rụng trái. Sau đậu trái khoảng gần 1 tháng cần bón phân NPK theo hướng dẫn. Việc bón phân qua gốc cần định kỳ từ 1-2 tháng/lần cho đến trước thu hoạch 1 tháng”, bà Thảo cho biết thêm.
Văn Tâm