Sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu ngày càng "sát sườn" với nông dân

21/02/2024 08:16:42 GMT+7

Mùa mưa năm 2023, anh Nguyễn Văn Long, ở xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) đã phá bỏ hơn 1 ha điều sau nhiều vụ canh tác không hiệu quả. Trên 1ha đất này, anh Long chuyển đổi sang trồng gần 1.000 cây cà phê xen 100 cây sầu riêng.

Người dân chuyển đổi diện tích trồng điều không hiệu quả sang trồng sầu riêng xen cà phê

Anh Long cho biết: "Trước những chuyển biến bất lợi của thời tiết, tôi quyết định chuyển đổi cây trồng để tạo nguồn thu nhập cho gia đình. Ngoài chuyển đổi cây trồng, tôi cũng thay đổi quy trình canh tác theo hướng sản xuất nông nghiệp bền vững để tạo ra nguồn thu nhập ổn định".

Tương tự, anh Bùi Văn Tú, ở xã Kiến Thành, huyện Đắk R’lấp, có 2ha đất trồng điều nhưng do ảnh hưởng bởi thời tiết nên không hiệu quả kinh tế.

Năm 2023, anh Tú đã quyết định phá bỏ toàn bộ diện tích trồng điều chuyển sang trồng khoảng 300 cây sầu riêng xen trong 2.000 cây cà phê.

Điều mất mùa do biến đổi khí hậu, nên anh chuyển sang trồng sầu riêng xen cà phê. Anh mong việc chuyển đổi này mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình sau nhiều năm thất thu điều.

Qua đánh giá của ngành chức năng, nguyên nhân mất mùa điều được xác định do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Thời tiết có nhiều thay đổi tiêu cực, cụ thể như: nhiệt độ giảm, tốc độ gió mạnh và kéo dài trong nhiều ngày... khiến cho cây điều không thể thích nghi.

 

Nhiều hộ nông dân trồng điều nhiều năm cho biết, thời tiết khắc nghiệt rơi vào đúng thời điểm điều ra hoa là nguyên nhân chính khiến nhiều diện tích bị mất mùa thường xuyên.

Chính vì thế, việc chuyển đổi cây trồng, thay đổi lối canh tác của người dân là phù hợp để tạo nguồn thu nhập và phát triển nông nghiệp ổn định, bền vững.

Chuyển đổi cây trồng để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp ở Đắk Nông

Theo thống kê của ngành chức năng, giai đoạn 2022 – 2023, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có gần 900ha cây trồng chuyển đổi để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong đó, chuyển đổi hơn 300 ha cà phê, 222ha hồ tiêu, 312ha cao su, gần 20ha điều... Các loại cây trồng không thích hợp với vùng đất, khí hậu của từng tiểu vùng khí hậu.

Các vùng này đã được người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác như cà phê, sầu riêng và các loại cây ăn quả. Phần lớn người dân áp dụng mô hình xen canh để giảm rủi ro.

Ngoài chuyển đổi cây trồng, để phát triển bền vững, người dân đã chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Thực hiện khai thác hiệu quả và quản lý bền vững tài nguyên nước và tăng cường phòng, phục hồi đất thoái hóa.

Sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang chuyển biến mạnh theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng. Việc chuyển đổi diện tích cây trồng không hiệu quả đang từng bước góp phần đưa nông nghiệp phát triển ngày càng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy lợi thế địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân

Hưng Nguyên

Nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"

Liên kết website

Mở liên kết
Bottom