Gắn bó với sản xuất nông nghiệp nhiều năm, ông Kha nhận ra hạn chế của trồng cây dài ngày là việc đầu tư chăm sóc cả năm, với rất nhiều khoản chi phí, nhưng chỉ thu hoạch được 1 lần. Điều này khiến người nông dân đối mặt với nhiều rủi ro về giá bán, thị trường tiêu thụ, chi phí đầu tư.
Sau thu hoạch sầu riêng, ông Nguyễn Văn Kha tiếp tục thu hoạch cà phê, sau đó là hồ tiêu
Theo ông Kha, chi phí trang trải sinh hoạt suốt cả năm đều trông chờ vào 1 vụ thu hoạch. Nhiều thời điểm, gia đình ông đã phải “ăn trước, trả sau”, các khoản chi tiêu trong gia đình luôn chật vật, thiếu thốn. Để khắc phục hạn chế này và khai thác tối đa diện tích đất gia đình có, ông Kha đã xây dựng mô hình trồng xen canh các loại cây trồng. Cụ thể, trên 1,7 ha đất, ông trồng 1.000 cây cà phê xanh lùn, 500 trụ tiêu, gần 120 cây sầu riêng và nhiều cây ăn quả như mít, bưởi, cau… Ông tận dụng, khai tác các khu vực không gian trống trong vườn.
Các loại cây trồng được ông bố trí một cách phù hợp để có thể tận dụng tốt nhất không gian, ánh sáng, phân bón, nước tưới. Khu vườn với nhiều tầng tán của ông trông như một khu rừng thu nhỏ, cây nào trồng cũng xanh tươi tốt. Ông còn trồng thêm thảm cỏ lạc để tạo độ ẩm cho đất.
Trồng nhiều loại cây đã tạo cho gia đình ông Kha có nguồn thu nhập đa dạng, ổn định quanh năm. Mùa nào thứ ấy, ông không còn phải trông chờ vào một loại cây trồng nào. Việc trồng xen canh cũng góp phần giúp ông hạn chế chi phí sản xuất, hạn chế đất bị khô, giúp giảm lượng nước tưới.
Mỗi năm, ông Kha thường đi đến các trang trại chăn nuôi bò trên địa bàn mua phân về ủ hoai mục với vỏ cà phê, các chế phẩm sinh học bón cho cây trồng. Đây là cách làm mang lại hiệu quả cao, bền vững, tạo nên nông nghiệp hữu cơ. Ông Kha cho biết: "Tôi bón phân hữu cơ cải tạo đất, nên các cây trồng đều được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ. Vào các giai đoạn làm bông, trái non, sắp thu hoạch, tôi bón phân để cung cấp dĩnh dưỡng kịp thời cho cây".
Mô hình sản xuất bài bản, khoa học của ông Nguyễn Văn Kha mang lại hiệu quả cao
Mỗi năm, gia đình ông Kha thu hoạch xong sầu riêng sẽ đến cà phê, hồ tiêu, các loại cây khác. Vườn cây hầu như mang lại thu nhập cho gia đình quanh năm. Theo tính toán của ông, mỗi năm trừ chi phí, gia đình ông thu nhập dao động từ 300 - 500 triệu đồng.
Ông Võ Ngọc Anh, Quyền Chủ tịch UBND xã Đắk Wer đánh giá, cách làm của ông Kha là một điển hình về sản xuất nông nghiệp. Cách làm kinh tế này phù hợp và rất hiệu quả tại địa phương. Xã đang tuyên truyền để mỗi người dân dựa vào điều kiện của gia đình mình tạo ra các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Người dân trên địa bàn phần lớn là nông dân, nguồn thu nhập chủ yếu từ nông nghiệp. Do đó, xã đang phối hợp với ngành chức năng mở các lớp tập huấn để người dân áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.
Hiện nay, sản xuất nông nghiệp vẫn đang đối mặt với nhiều rủi ro về giá bán và thị trường tiêu thụ. Trong đó, câu chuyện "được mùa mất giá, được giá mất mùa" xảy ra khá thường xuyên. Việc tạo nhiều nguồn thu nhập trên cùng đơn vị diện tích đất như ông Kha đang là giải pháp hiệu quả để giảm thiểu rủi ro cho người nông dân.