Sản phẩm hồ tiêu trước yêu cầu mới

02/04/2022 11:09:27 GMT+7

Năm 2017, Công ty CP Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Trân Châu (gọi tắt là Công ty Trân Châu), ở TP. Hồ Chí Minh, bắt đầu mở chi nhánh tại Đắk Nông. Công ty chọn xã Thuận Hạnh (Đắk Song) để xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm hồ tiêu.

Theo ông Lê Văn Thuận, Giám đốc Chi nhánh Công ty Trân Châu Đắk Nông, Đắk Song là thủ phủ của cây hồ tiêu. Năng suất hồ tiêu tại đây đứng đầu cả nước. Tuy nhiên, hầu hết người dân còn sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Điều này khiến hồ tiêu phát triển không bền vững. Sản phẩm hồ tiêu có dư lượng thuốc BVTV cao, khó xuất khẩu ra những thị trường khó tính.

Trước thực trạng trên, Công ty Trân Châu đã chủ động liên kết với người dân để xây dựng chương trình hồ tiêu bền vững. Công ty liên kết với 420 hộ dân để xây dựng vùng sản xuất hồ tiêu đạt chứng nhận Rainforest Alliance (tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững). Mục tiêu là xây dựng vùng nguyên liệu sạch, bền vững và an toàn.

Nhiều doanh nghiệp thu mua, chế biến hồ tiêu tại Đắk Nông đang bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân liên kết

Ông Thuận cho hay: "Chứng nhận Rainforest Alliance có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với thị trường châu Âu và Mỹ. Đây là 2 thị trường “khó tính” đối với nông sản Việt Nam vì họ kiểm soát rất chặt dư lượng thuốc BTVT, thuốc cấm… trong sản phẩm.

Chúng tôi đã theo đuổi và khi có chứng nhận này, hồ tiêu của chúng tôi dễ dàng xuất khẩu và giá trị cao hơn hẳn. Những hộ dân liên kết với chúng tôi có giá hồ tiêu bán cao hơn thị trường từ 20-50%".

Công ty Trân Châu là 1 trong số 6 doanh nghiệp đang liên kết với người dân xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất hồ tiêu trên 1.500 ha theo hướng hữu cơ tại Đắk Song.

Theo Trưởng Phòng NN - PTNT Đắk Song Lê Hoàng Vinh, tất cả các mô hình liên kết này đều khá chặt chẽ. Hầu hết các doanh nghiệp liên kết với người dân để xây dựng vùng nguyên liệu, hỗ trợ chuyên môn và bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Việc sản xuất hồ tiêu hữu cơ đang cho thấy nhiều lợi ích vượt trội so với phương pháp truyền thống

Đến những vườn hồ tiêu sản xuất theo hướng hữu cơ tại xã Nam Bình, Thuận Hà và Thuận Hạnh (Đắk Song), không khó để thấy sự hài hòa giữa các yếu tố môi trường tự nhiên.

Người dân trồng cây sống để làm trụ cho tiêu đã mang lại bóng mát cho vườn cây. Phía dưới gốc tiêu là lớp thảm cỏ tự nhiên được người dân cắt chứ không phun thuốc diệt cỏ. Tất cả làm cho vườn tiêu trở nên mát mẻ, ít cần nước tưới hơn.

Cũng theo ông Lê Hoàng Vinh, việc phát triển theo hướng hữu cơ đã được nhiều người dân Đắk Song triển khai từ lâu. Tuy nhiên, sản xuất tiêu hữu cơ đã trở thành phong trào từ sau thời điểm giá hồ tiêu “chạm đáy” năm 2016.

Khi tiêu truyền thống rớt giá thê thảm và khó bán thì tiêu hữu cơ vẫn sống khỏe. Điều này cho thấy chất lượng chính là yếu tố quyết định đến giá trị sản phẩm.

"Việc người dân mở rộng vùng nguyên liệu tiêu hữu cơ chất lượng là rất đáng khuyến khích. Tuy nhiên, vùng nguyên liệu tiêu hữu cơ liên tục mở rộng chủ yếu là do sự có mặt, liên kết và hỗ trợ của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến sản phẩm hồ tiêu tại địa phương”, ông Vinh cho hay.

Ngoài Đắk Song, những năm gần đây, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hồ tiêu đã liên kết sâu rộng với người dân để xây dựng các vùng nguyên liệu hồ tiêu theo hướng hữu cơ.

Sản phẩm hồ tiêu Việt Nam ngày càng giảm dư lượng thuốc BVTV, góp phần thay đổi cách nhìn của người nước ngoài. Nhờ nâng cao chất lượng, hồ tiêu Việt Nam dần tìm được vị trí ở những thị trường khó tính, từng bước nâng cao được giá trị.

Bài, ảnh: Thanh Hà

Nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"
Bottom